Dân Việt

Nông nghiệp 2018 lập kỷ lục tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua

Anh Thơ 01/01/2019 07:00 GMT+7
Sự linh động trong quá trình xoay trục phát triển, ưu tiên cho những mặt hàng đang có lợi thế; nỗ lực khai thông, mở rộng thị trường của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp; sự chuyển biến trong tư duy sản xuất của nông dân đã giúp ngành nông nghiệp đạt được mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây.

Xoay trục linh hoạt

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2017, GDP nông lâm thủy sản năm 2018 tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây; giá trị sản xuất tăng 3,86%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD. Có thể thấy, đây là kết quả của một quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển những sản phẩm có lợi thế như thủy sản, trái cây.

img

 Tỉnh Sơn La thực hiện chuyển đổi đất dốc sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Văn Chiến

"Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ, cùng nông dân đổi mới phương thức sản xuất thì hiệu quả của quá trình tái cơ cấu sẽ thấy rõ”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, sự linh hoạt trong chính sách xoay trục đã mang lại những kết quả ngoạn mục, biến những ngành trước đây còn nhiều hạn chế vụt trở thành điểm sáng như rau quả.

Bộ NNPTNT đã phối hợp các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, tăng tỷ lệ bố trí cơ cấu giống chất lượng cao, cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, vùng miền gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết khí hậu. Vì vậy, sản lượng nhiều loại nông sản tiếp tục tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Có thể thấy rõ hiệu quả của chính sách điều hành đối với ngành hàng rau quả. Trước tình hình sản lượng nhiều loại trái cây tăng mạnh theo mùa vụ thu hoạch (vải thiều, nhãn, na, cây có múi...), Bộ NNPTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo xây dựng các phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời cho người dân.

Một lĩnh vực từng được đánh giá là yếu thế trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do là chăn nuôi cũng đã ghi được một số dấu ấn quan trọng trong năm 2018. Lần đầu tiên Việt Nam đã xuất khẩu được thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).

Hay trong lĩnh vực lâm nghiệp với việc Việt Nam và EU chính thức ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) cho thấy, chúng ta đang trên hành trình xây dựng một ngành lâm nghiệp bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Điều đáng ghi nhận là, dù rừng tự nhiên đã đóng cửa nhưng chúng ta vẫn đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu nhờ phát triển các diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Chỉ sau 3 năm, diện tích rừng FSC đã tăng hơn gấp đôi, từ 110.081ha năm 2015 lên 245.061ha năm 2018.

Đi theo “mệnh lệnh” thị trường

Có một điểm mới trong sản xuất nông nghiệp năm 2018 là xu hướng sản xuất theo tiếng gọi của thị trường ngày càng rõ nét. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng, xuất khẩu đạt kỷ lục mới.

 Điểm nổi bật trong công tác xúc tiến thương mại quốc tế trong năm là sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại 2 thị trường lớn Trung Quốc và EU: Tại thị trường Trung Quốc đã tổ chức 6 đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng kết hợp tổ chức/tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản (Trung Quốc đã đồng ý mở cửa chính ngạch thêm 7 loại trái cây Việt Nam (sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, mãng cầu, măng cụt, dừa); chấp thuận cho 13 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này.

Tại thị trường EU đã chuyển hướng tiếp cận mới cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thông qua tăng cường sự hiện diện của nông sản Việt Nam tại các siêu thị lớn và chợ đầu mối của Pháp và châu Âu.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Thời gian tới, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất gắn với chuỗi giá trị, theo các vùng sản xuất hàng hóa; tập trung khuyến khích chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Trong đó, ngành cần tổ chức, xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm với nòng cốt, trung tâm là các chủ thể: Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng, quảng bá thương hiệu từng loại nông sản hàng hóa.