Dân Việt

Câu chuyện cảm động khi các nhà vô địch AFF Cup 2018 có trong đề thi văn

Anh Quyết 31/12/2018 14:10 GMT+7
Thêm một trường THPT sử dụng câu chuyện ý nghĩa, nhân văn của những nhà vô địch AFF Cup 2018 làm đề thi văn cho học sinh...

Theo thông tin của Trí Thức Trẻ, trong phần đọc hiểu của đề thi hết học kì I dành cho học sinh khối 11 trường THPT Nguyễn Trãi (Khánh Hòa), người soạn đề đã trích lược nội dung bài báo viết về hành động đẹp của bộ tứ tuyển thủ Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh và Nguyễn Quang Hải trong kỳ AFF Cup 2018 đã qua.

Khi đó, 4 tuyển thủ này đã đến gặp gỡ và truyền động lực cho một fan nhí đặc biệt của ĐT Việt Nam. Cậu bé Tôm (tên thật là Nguyễn Bá Thiện Vinh) bị phát hiện mắc bệnh u não khi lên 4 tuổi. Dù rất thích đá bóng, tuy nhiên, căn bệnh khiến bé đi không vững và khó có thể sút trúng trái bóng được nữa.

img

Các tuyển thủ Việt Nam đã đến thăm, chia sẻ những câu chuyện với bé Tôm, hứa sẽ giành được chiếc cúp AFF Cup 2018 làm quà tặng cho đứa trẻ đáng thương mà giàu nghị lực. Hành động ý nghĩa này đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.

Đưa câu chuyện ấy vào đề thi, người ra đề yêu cầu học sinh phân tích ý nghĩa nhân văn ở hành động của các cầu thủ. Đó cũng là cách những người làm giáo dục dạy các học trò biết yêu thương, có sự cảm thông giữa con người với con người trong cuộc sống. 

img

Bên cạnh, đó còn là bài học về nghị lực sống. Bé Tôm trở thành tấm gương cho mọi người về sự kiên cường, chiến đấu với bệnh tật, vượt lên số phận. Theo chia sẻ của thủ môn Bùi Tiến Dũng, chính cậu bé đã truyền động lực cho các cầu thủ khi ra sân thi đấu, phải luôn cố gắng nỗ lực hết mình để chiến đấu và chiến thắng.

Sự thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 đã đưa tên tuổi HLV Park Hang-seo và các cầu thủ đến gần hơn với cuộc sống của người dân Việt Nam. Bóng đá còn truyền cho người dân sự đoàn kết, nỗ lực, vượt khó để chinh phục những đỉnh cao. 

Bởi vậy, việc đem câu chuyện của bóng đá vào giảng dạy là cách giáo dục kết hợp khéo léo giữa kiến thức và thực tiễn. Cách làm đó giúp học sinh dễ dàng đón nhận bài học bằng sự tích cực và hiệu quả hơn hẳn những lý thuyết khô khan.