Bây giờ, hãy cùng “hé lộ” những vết nhơ còn tồn động đằng sau những thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018.
1. Cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu rượt đánh trọng tài tại giải hạng Nhì
Trong những năm gần đây, NHM bóng đá Việt Nam có lẽ đã quá quen với vấn nạn bạo lực sân cỏ. Tuy nhiên, sự cố đáng buồn nói trên xuất hiện tại giải hạng Nhì và nạn nhân lại là những vị “vua áo đen”.
CLB Bà Rịa Vũng Tàu.
Cụ thể, trong trận play-off giành suất lên chơi tại giải hạng Nhất 2019 giữa CLB Bà Rịa Vũng Tàu và CLB Phố Hiến diễn ra trên SVĐ Phú Yên vào ngày 18 tháng 7, ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên với phần thắng 4-1 nghiêng về phía đại diện đến từ Hưng Yên, các cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu, vì không đồng tình với những quyết định của tổ trọng tài, đã chạy đến phản ứng với trọng tài chính Nguyễn Anh Vũ.
Ngay sau đó, trợ lý trọng tài Huỳnh Quốc Long liền lao đến bảo vệ người đồng nghiệp của mình. Sự việc trở nên trầm trọng hơn khi một cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu ngã lăn ra sân. Những gì xảy ra sau đó là một chuỗi những hình ảnh phi thể thao mà các cầu thủ áo xanh đã tạo ra.
Sau gần hai ngày xem xét, tối ngày 30 tháng 7, Ban kỷ luật VFF đã đưa ra quyết định cuối cùng. Theo đó, cầu thủ Trần Quốc Tuấn bên phía CLB Bà Rịa Vũng Tàu, nhân vật chính của vụ việc, đã phải nhận án phạt cấm thi đấu vĩnh viễn cùng với số tiền phạt 25 triệu đồng do có hành vi xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng thân thể trọng tài Nguyễn Anh Vũ và trợ lý trọng tài Huỳnh Quốc Long.
Bên cạnh đó, trợ lý trọng tài Huỳnh Quốc Long, các cầu thủ Phan Công Quỳnh Anh và Đinh Tiến Phong của Bà Rịa Vũng Tàu đều bị cấm hoạt động bóng đá trong vòng 18 tháng và nộp phạt 17.5 triệu đồng do có hành vi ẩu đả trên sân.
CLB bóng đá Bà Rịa Vũng Tàu được thành lập vào năm 2017 với quy mô và tổ chức rất chuyên nghiệp và bài bản. Tuy vậy, sự cố đáng tiếc trên SVĐ Phú Yên đã ảnh hưởng rất lớn đến với danh tiếng của đội bóng miền Đông Nam Bộ.
2. Cầu thủ nữ “hỗn chiến” trên sân Thống Nhất
Bóng đá luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, không ai có thể nói trước được điều gì. Tất nhiên, cũng chẳng có ai nghĩ đến việc bạo lực sân cỏ, vấn nạn vốn là “đặc sản” của bóng đá nam, sẽ lan sang sân chơi dành cho các nữ cầu thủ.
Thế nhưng, sự việc đáng buồn trên đã thực sự xảy ra trong trận Bán kết 2 Giải Vô địch bóng đá nữ Quốc gia Cúp Thái Sơn Bắc 2018 giữa CLB TP.HCM 1 và CLB Than Khoáng Sản Việt Nam. Ở trận đấu đó, đại diện đến từ thành phố mang tên Bác đã giành chiến thắng 2-0, qua đó giành vé vào chơi trận chung kết.
Tuy nhiên, tình huống được chú ý nhiều nhất lại không nằm trong thời gian thi đấu chính thức. Ngay sau khi trọng tài chính thổi còi kết thúc trận đấu, cầu thủ hai đội lập tức lao vào nhau và bắt đầu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” để nói chuyện với đồng nghiệp của mình. Một số CĐV quá khích thậm chí còn nhảy xuống sân “góp vui” cùng với các cầu thủ, tạo nên một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn trên SVĐ Thống Nhất. Cuộc hỗn chiến chỉ kéo dài được năm phút sau khi bị các lực lượng bảo vệ sân dập tắt.
Sau khi xem lại băng ghi hình, Ban kỷ luật VFF đã đưa ra quyết định cấm thi đấu năm tháng đối với sáu cầu thủ tham gia vụ xô xát, trong số đó bao gồm tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Mỹ Anh bên phía TP.HCM 1, Phạm Hoàng Quỳnh và Khổng Thị Hằng bên phía TKS Việt Nam. Ngoài ra còn có bảy án phạt khác dành cho các cá nhân, tổ chức có liên quan. Tổng cộng, Ban kỷ luật VFF đưa ra 13 án phạt, một con số kỷ lục từ trước đến nay và chưa từng có trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam.
Sự cố trên cũng là một bài học quý báu đối với Ban tổ chức giải đấu cũng như các cầu thủ khi đã để những hình ảnh phản cảm trên lên sóng truyền hình quốc gia trước sự chứng kiến của đông đảo khán giả trong nước.
3. Pha vào bóng “kinh hoàng” của Huỳnh Tấn Tài (Long An) đối với Dương Văn Hào (Viettel)
Va chạm là thứ không thể thiếu ở mỗi trận bóng. Tuy nhiên, pha phạm lỗi trên của Huỳnh Tấn Tài (Long An) đáng phải bị lên án.
Cuộc đối đầu giữa Viettel và Long An diễn ra rất căng thẳng. Vô vàn những pha tranh chấp quyết liệt diễn ra cùng với một tấm thẻ đỏ dành cho cầu thủ Long An.
Tình huống diễn ra ở phút thứ 35 cuộc đối đầu giữa CLB Viettel và CLB Long An trên SVĐ Hàng Đẫy. Tiền vệ mang áo số 11 của đội khách đã có pha vào bóng từ phía sau rất nguy hiểm đối với Dương Văn Hào. Pha bóng đó đã khiến cho tiền đạo trẻ bên phía đội bóng quân đội gục xuống sân đầy đau đớn. Lập tức anh được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện 108 để điều trị.
Theo thông tin ban đầu, Văn Hào được chẩn đoán bị đứt toàn bộ dây chằng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của HLV Đặng Phương Nam, tiền đạo sinh năm 1997 này bị gãy 1/3 xương mác chân trái, trật khớp hoàn toàn ổ khớp cổ chân. Điều này đã khiến cho các bác sỹ ở bệnh viện 108 phải đóng sáu đinh ở vùng bị thương của Văn Hào.
Với chấn thương nghiệm trọng này, cầu thủ từng dự U20 World Cup cùng với U20 Việt Nam phải mất ba đến bốn tháng để có thể di chuyển được và một thời gian dài mới có thể vận động ở cường độ cao, thậm chí sự nghiệp quần đùi áo số của Văn Hào có thể khép lại nếu tình hình không có tiến triển. Đây là lẽ là chấn thương nghiêm trọng nhất mà một cầu thủ Việt Nam dính phải trong những năm gần đây.
Về phía Huỳnh Tấn Tài, tiền vệ này đã trực tiếp đến xin lỗi người đồng đội của mình. Bên cạnh đó, cầu thủ này cũng phải nhận án phạt cấm thi đấu năm trận cùng với 25 triệu đồng từ phía Ban kỷ luật VFF.
4. Trọng tài Trần Văn Lập “bẻ còi”, không công nhận bàn thắng vì… quên đuổi cầu thủ
Thông thường, chỉ với một quyết định sai lầm làm thay đổi cục diện trận đấu, một vị trọng tài đã phải trả giá đắt. Tuy nhiên, trọng tài Trần Văn Lập thậm chí đã mắc ba lỗi nghiêm trọng chỉ trong vòng 90 phút.
Cụ thể, ở cuộc đối đầu giữa Becamex Bình Dương và Than Quảng Ninh thuộc vòng 22 Nuti Cafe V.League 2018, vị vua áo đen này đã liên tiếp đưa ra những quyết định không giống ai.
Mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ cho đến khi đồng hồ chỉ đến phút 63. Trong một pha bóng lộn xộn trước khung thành của thủ môn Huỳnh Tuấn Linh, hậu vệ Dương Văn Khoa đã dùng mặt cản phá pha dứt điểm của cầu thủ đối phương ngay trên vạch vôi. Tuy nhiên, trọng tài Lập lại chỉ tay vào chấm 11m khi cho rằng anh này đã dùng tay chơi bóng và lập tức “tặng” cho cầu thủ của Than Quảng Ninh một tấm thẻ đỏ.
Kịch tính của trận đấu được đẩy lên cao ở những phút cuối cùng. Phút 90, Hồ Tấn Tài đã có tình huống chơi tiểu xảo đối với Edyson. Ngay sau đó, giữa cả hai đã xảy ra xô xát với nhau. Trọng tài Trần Văn Lập lập tức dành cho cầu thủ mỗi bên một tấm thẻ vàng để cảnh cáo. Tuy nhiên, vị vua áo đen này lại quên rút thẻ đỏ cho Hồ Tấn Tài, người trước đó đã phải nhận một tấm thẻ vàng.
Mọi việc trở nên tồi tệ hơn vào phút 90+4, chính Hồ Tấn Tài là người chuyền bóng cho Tiến Linh để tiền đạo này sút tung lưới Than Quảng Ninh nâng tỷ số trận đấu lên 2-1.
Sau khi tham khảo ý kiến từ các trợ lý của mình, trọng tài Lập quyết định “bẻ còi”. Ông không những không công nhận bàn thắng của Tiến Linh mà còn dành cho Hồ Tấn Tài một tấm thẻ đỏ.
Pha lập công của Tiến Linh ở phút thứ 90+4 không được trọng tài Trần Văn Lập công nhận.
Ngay sau khi cuộc đối đầu trên sân Bình Dương kết thúc, các cầu thủ bên phía đội chủ nhà đã phản ứng rất kịch liệt với tổ trọng tài. Trên mạng xã hội cũng đã dấy lên một làn sóng chỉ trích vô cùng dữ dội hướng về phía vị vua áo đen sinh năm 1983 này. Với quả phạt đền “ma” cũng với những quyết định gây tranh cãi khác ở trận đấu đó, trọng tài Trần Văn Lập đã phải nhận án phạt nội bộ rất nặng từ phía VFF.
5. CĐV Việt Nam đốt pháo sáng để phản đối VFF
Pháo sáng là vật dụng cấm trong các trận đấu bóng đá, tuy nhiên điều đó cũng không thể ngăn cản các CĐV Việt Nam mang món “đặc sản” này đến sân cổ vũ cho đội tuyển của mình.
Ở lượt trận thứ hai vòng bảng AFF Suzuki Cup 2018 giữa ĐT Việt Nam và ĐT Malaysia diễn ra vào tối 16 tháng 11, vì quá tức giận trước công tác bán vé của VFF, các CĐV Việt Nam đã mang pháo sáng đến sân, bất chấp những lời kêu gọi cũng như cảnh báo trước đó của VFF và các cầu thủ.
Đã không có dưới năm quả pháo sáng được sử dụng trong suốt trận đấu. Những quá pháo đốt lên ngay lập tức đã được lực lượng an ninh dập tắt. Rất may, ĐT Việt Nam không phải nhận bất kỳ án phạt nào từ phía LĐBĐ Châu Á (AFC) vì những hành vi trên.
VFF có lý do để lý lắng, bởi trước đó tại ASIAD 2018, cơ quan này đã phải nộp phạt 12.500 USD (tương đương với gần 300 triệu đồng) cùng với những lời cảnh báo từ AFC khi đã để khán giả đốt pháo sáng trong trận bán kết gặp ĐT Olympic Hàn Quốc.
Nguyên nhân xảy ra vụ việc trên là bởi nhiều CĐV cho rằng VFF đã để tuồn vé ra bên ngoài, công tác bán vé diễn ra chậm chạp, dẫn đến việc nhiều người dù đã xếp hàng từ sáng sớm nhưng đến chiều tối vẫn chưa mua thành công một cặp vé.
Một bộ phận khán giả đã trả đũa bằng cách đốt những quả pháo sáng trong trận đấu gặp Malaysia, tuy nhiên đây chắc chắn không phải là phương án khôn ngoan và tỉnh táo của các CĐV đội bóng áo đỏ, bởi điều đó có thể khiến chính đội bóng của họ “rước họa vào thân” và phải nhận những án phạt rất nặng từ phía LĐBĐ châu Á.