Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (ảnh PV).
Nhân dịp đầu năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có trao đổi với báo chí về những vấn đề Chính phủ sẽ tập trung trong năm 2019.
Thưa Bộ trưởng, năm 2019 được Chính phủ nhấn mạnh là năm bứt phá để về đích, vậy việc bứt phá này sẽ được thực hiện thế nào?
- Năm 2019, Chính phủ đặt yêu cầu sáng tạo, bứt phá, phát triển mang tính hiệu quả. Vào thời gian gần cuối của nhiệm kỳ thì việc bứt phá rất quan trọng, vấn đề này do chính Văn phòng Chính phủ đề xuất. Khi chuẩn bị xây dựng Nghị quyết, tôi chủ trì họp yêu cầu đưa ra cái gì đó mang tính hành động mạnh mẽ để hoàn thành các chỉ tiêu, làm tiền đề phát triển của năm sau.
Nói chuyện bứt phá thì nội dung rất rộng nhưng tựu lại là về thể chế, cơ chế chính sách, bứt phá trong đề xuất xây dựng thể chế, trách nhiệm của Chính phủ phải mạnh mẽ trong vấn đề phân cấp, rõ trách nhiệm.
Chẳng hạn như tiến hành sửa đổi một Luật mất rất nhiều thời gian, nên cần sửa theo hướng cái gì vướng mắc nhất thì sửa trước, chứ dỡ tung ra rất khó làm. Đột phá về cơ chế chính sách phải rất mạnh mẽ.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy để hoạt động hiệu lực hiệu quả nếu không bứt phá mạnh mẽ về thể chế thì không thể làm hoặc làm nhưng hiệu quả không cao. Để bứt phá là cả sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ công chức trong cả hệ thống chứ không riêng cơ quan Chính phủ.
Năm 2019 phải làm tốt công tác thanh toán điện tử, để như hiện tại không ổn, phải có liên kết, có dịch vụ công trực tuyến minh bạch, công khai, giảm tham nhũng vặt. Cố gắng làm sao bứt phá vấn đề này…
Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đánh giá gì khi Ngân hàng Nhà nước đánh tụt hạng chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, vậy Chính phủ có giải pháp gì cho năm 2019?
- Vừa qua, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt hạng. Năm 2018, chỉ số này có khác so với 2 năm trước. Trong 10 chỉ số thành phần thì có 6 chỉ số tăng, 4 chỉ số giảm điểm. Còn thứ hạng có 3 chỉ số giữ nguyên và có chỉ số giảm. Trong khi các nước cũng đang cải cách rất mạnh. Chúng ta tăng điểm nhưng so với cải cách các nước khu vực xung quanh thì không bằng cho nên tụt điểm.
Nguyên nhân là liên quan đến tiếp cận tín dụng, giải thể doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Doanh nghiệp vẫn phàn nàn rất nhiều. Hiện nay chúng ta đứng thứ 6 trong xếp hạng ASEAN.
Để khắc phục vấn đề trên, tới đây Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết 02 thay cho nghị quyết 19 của các năm. Chúng tôi báo cáo Thủ tướng là dứt khoát không dùng nghị quyết 19 nữa. Nghị quyết này mãi tháng 5.2018 mới ban hành, vậy thì đầu năm làm cái gì, hóa ra nghị quyết 19 thực hiện có mấy tháng. Chính vì thế vừa qua ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành nghị quyết 01 thì cũng ký nghị quyết 02.
Chúng tôi rất trăn trở là giờ đánh giá gì cũng phải bằng thang điểm, chỉ số so sánh chứ không phải nói tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường nâng cao mà thay vào đó là cắt giảm phải liên quan đến tiền, ngày công, thời gian.
Nghị quyết 02 có đặt sự quan tâm đến vấn đề thanh toán điện tử, vấn đề này dứt khoát phải làm bằng được; phải ban hành được các chỉ số định lượng để so sánh, ví dụ phải biết bộ này cải cách đang đạt chỉ số bao nhiêu, lĩnh vực này đang đạt chỉ số bao nhiêu, nó phải định hóa, định lượng được chứ không phải định tính để sau này có so sánh tại sao xuống hạng.
Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn trong đó có các thành viên Chính phủ, là người được lấy phiếu ông có cảm nhận như thế nào về kết quả ?
- Phiếu tín nhiệm của Quốc hội đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vừa qua rất khách quan, đánh giá rất công tâm, thực chất. Cá nhân tôi thấy những phiếu tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì mình phải cố gắng. Đây là thước đo rất quan trọng để làm sao mình làm tốt hơn, chứ không phải nghĩ mình đã làm thế này mà người ta không nhìn thấy rồi tự ái thì không được.
Vừa qua Ban chấp hành Trung ương có nghị quyết về vấn đề nêu gương, trước hết là trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, theo Bộ trưởng để Chính phủ nêu gương thì đòi hỏi phải làm gì? Cá nhân Bộ trưởng là Ủy viên Trung ương thì sẽ thực hiện quy định nêu gương như thế nào?
- Tôi cho là trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là rất quan trọng. Nó mang tính giáo dục, mang tính tự giác, mỗi người phải tự soi xét mình. Vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn.
Với trách nhiệm của Chính phủ , thành viên Chính phủ, tôi nghĩ việc đầu tiên phải làm theo chức trách được giao và phải làm tốt. Phải rèn luyện cá nhân, bản thân đồng thời phải hoàn thành chức trách, trách nhiệm. Cái gì giao thì phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một Chính phủ tốt.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.