Cột mốc ấy không chỉ làm nguôi đi nỗi nhớ đảo của người cựu binh Trần Văn Xuất mà nó còn là nơi để những người đồng đội tưởng như đã thất lạc tìm về với nhau.
Giọt nước mắt phía Đông Tổ quốc
Năm 1984, anh Trần Văn Xuất (sinh năm 1965, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cùng 21 thanh niên trên cả nước nhận lệnh ra đảo Trường Sa Đông để xây dựng và canh giữ biển đảo quê hương. Ra tới đảo, anh được cấp trên giao nhiệm vụ làm Khẩu đội trưởng của đơn vị.
“Cột mốc” Trường Sa Đông. |
Khi đó, trên đảo Trường Sa Đông chỉ có 2 ngôi nhà, nguồn nước ngọt trên đảo hoàn toàn không có. Mỗi ngày mỗi người chỉ được cấp 1 lít nước, 1 lon gạo cùng một hộp thịt ăn cả tuần. Cả năm chỉ mặc mỗi cái quần đùi do đơn vị cấp.
Năm 1987, anh Xuất chia tay đời lính trở về quê hương. Sau này khi nói chuyện với vợ, anh trêu: “Mình là mối tình thứ 3 của tôi. Mối tình đầu là cha mẹ - đến lúc ra đảo là tình đồng đội - giờ đây mới là tình vợ chồng, con cái”. Những năm sau đó, anh Xuất lao vào làm kinh tế và trở nên giàu có “lúc nào không hay”.
“Ờ thì từ lâu, bà con quanh đây gọi tôi là thằng Xuất “quơ”, bất cứ việc gì tôi đều làm hết. Ngày lên núi khai thác đá, đêm về đi biển đánh cá” - anh Xuất kể về cái sự giàu có của mình đơn giản như vậy.
Khi điều kiện kinh tế gia đình đã ổn định hơn và đất nước cũng đã thanh bình, năm 2005, trong một lần đi ra biển, nhìn một con tàu lớn sang trọng chồm lên mặt sóng hướng về phía Đông Tổ quốc, dõi theo con tàu mãi đến khi nó khuất ở phía Đông thì cả một miền ký ức ập về trong anh.
Anh Xuất kể: “Ngày xưa, trên đảo, mỗi khi nhớ nhà, mấy anh em lại ôm nhau ngóng về phía Tây của đảo, phía đó là quê hương mình rồi lén chùi nước mắt. Giờ trên đất liền, ngóng về phía Đông, tôi lại trào nước mắt. Ước mơ tìm lại anh em đồng đội cồn cào trong tôi từ đó”. Thông tin của gần 30 năm trước hầu như không còn gì. Ròng rã hai năm, anh Xuất đi ra Thái Bình rồi vào lại Phú Yên... để tìm các đồng đội ngày nào.
Dựng mốc chủ quyền trong tâm hồn trẻ
Năm 2008, anh Xuất quyết định cho làm mô phỏng cột mốc Trường Sa Đông ngay trước cửa nhà để tìm lại đồng đội. Cột mốc có chiều cao 6m, rộng 1,5m, tọa lạc trong khuôn viên trưng bày các sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước của gia đình, nằm ngay bên cạnh tuyến đường ven biển đẹp nhất Đà Nẵng mang tên đường Trường Sa hướng ra Biển Đông.
Tôi đã từng đến Trường Sa Đông vài năm trước, xem lại các bức ảnh thì thấy phiên bản cột mốc của anh Xuất giống thật đến ngỡ ngàng. Gần 30 năm mà anh vẫn còn giữ vẹn nguyên ký ức về cột mốc thân yêu thì cũng là kiệt xuất. Anh cho biết: “Một nghìn ngày ngoài trập trùng sóng, cột mốc thiêng liêng này là điểm tựa tinh thần cho tôi và các anh em vững lòng chịu đựng gian khổ, quên làm sao được”. Và đến năm 2011, toàn bộ 32 đồng đội của anh trên đảo Trường Sa Đông đã được gặp nhau tại chính cột mốc trên đất liền này.
Dù đã xong nhiệm vụ “đi tìm đồng đội” nhưng cột mốc Trường Sa Đông giờ đã thành một điểm du lịch thú vị tại Đà Nẵng. Với tất cả du khách trong và ngoài nước, hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ” Trần Văn Xuất chỉ có một câu đơn giản và thiêng liêng: “Trường Sa là của Việt Nam”.
Hàng ngày có hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm “cột mốc”, rất nhiều trong số đó là các học sinh. Em Nguyễn Thị Hoa (học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nói: “Chúng em được học Trường Sa là của VN nhưng em chưa được ra ngoài đảo để thấy cột mốc chủ quyền. Hôm nay em được các cô dẫn tới đây để tham quan và được hiểu thêm nhiều điều về lịch sử nước mình”.
Với những vị khách tí hon này, anh Xuất đặc biệt hồ hởi, anh bảo: “Bao nhiêu cột mốc chủ quyền dựng trên đất liền, trên đảo cũng không bằng những mốc chủ quyền thiêng liêng dựng lên trong tâm hồn trẻ”
Đình Thiên - Tuấn Lệ