ừ cuối đông, những đám lúa rài thưa thớt đã trổ màu vàng ruộm. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ở khuất trong cánh đồng ở ấp 2, xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), gia đình ông Nguyễn Văn Nam (thường gọi là ông Chín Nam) không nghỉ tết Dương lịch. Gió se lạnh trong nắng nhạt, ông Nam nhìn về đám ruộng đã trổ đòng rồi gọi vợ con ra đồng gặt hái.
Gia đình ông Chín Nam ra đồng cắt lúa rài. Ảnh: Nguyên Vỹ
Từ cuối đông, những thửa ruộng thưa thớt đã trổ màu vàng ruộm không đều ở các cánh đồng xã Tân Nhựt, Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Nhưng đó không phải là lúa chính vụ, đó chỉ là lúa rài mọc lại từ đợt giáp hạt vụ trước.
Do năng suất lúa rài không cao, gia đình ông chỉ gặt thủ công. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ở quanh đây, mỗi năm người dân chỉ làm 1 vụ lúa. Vụ trước ông Nam thu hoạch xong rồi bỏ đó. Vụ này không chăm sóc, không diêm tro (phân bón), những cây lúa rài như đứa trẻ mồ côi tự lớn lên trên gốc rạ quê mình, năng suất chẳng đáng là bao.
Ông Nam chỉ cắt những gié lúa đã chín trỗ, bỏ lại phần gốc rạ. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nói là đi gặt, nhưng ông Nam và vợ con chỉ mang theo cù liềm với vài bao nhựa. Đám ruộng của ông Nam rộng 5 công (5.000 m2), nước ngập tứ bề. Ông bảo, nếu thuê máy cắt thì gặt mỗi công đã hết hơn 200.000 đồng.
Lúa rài không được chăm sóc nên chín trổ không đều. Ảnh: Nguyên Vỹ
Gié lúa kia chín vàng trong lúc gié lúa khác vẫn còn trổ bông. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Nhưng lúa này có được bao nhiêu đâu, cao lắm chỉ được 4 – 5 giạ (1 giạ = 20 kg) thì lỗ vốn. Cả nhà phải gặt thủ công đem về cho vịt ăn”, ông Nam kể.
Sáng nay gia đình ông cắt được chừng 3 bao lúa rài. Ảnh: Nguyên Vỹ
Chỉ tay ra bốn phía cánh đồng, ông Nam bảo từ nhiều năm nay trồng lúa không có lời. Cũng có nhiều đám ruộng khác như đám của ông đang làm, chỉ một phần người dân đang canh tác nông nghiệp theo đúng mục đích, một phần không còn trồng trọt do ảnh hưởng của đô thị hóa, không còn hệ thống thủy lợi để tưới tiêu. Các dự án đường giao thông, dự án nhà ở đang san lấp, không còn hệ thống thủy lợi tưới tiêu, nên nước ngập quanh năm.
Đám ruộng của ông Chín Nam sát khu dân cư. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ngay cả phần đất này của người khác, ông Nam mượn lại để làm. “Nếu dự án không triển khai mình cũng khó làm vì không có chỗ tiêu thoát nước. Bơm nước ra không biết bao nhiêu cho xuể”, ông Nam nói.
Phía sau đám ruộng, nhưng mô đất cao đang được san lấp làm dự án. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ngừng tay liềm, vợ ông Nam góp lời, từ năm trước, gia đình làm đã bị lỗ rồi. 5 công đất chỉ thu được chừng 60 – 70 giạ; lỗ vốn, lỗ công. Nhưng không làm lúa cũng không trồng được thứ gì.
Các dự án giao thông, nhà ở mọc lên làm hạn chế hệ thống tiêu thoát nước. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ruộng lúa luôn trong tình trạng ngập nước. Ảnh: Nguyên Vỹ
Bà Chín Nam nói cũng có nghe phong thanh rằng nhà nước dự tính quy hoạch giảm dần diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. “Chỉ hi vọng chuyển đổi quy hoạch, đời sống của người dân sẽ khá hơn chứ làm lúa như thế này thi không khá được”.
Ông Nam giãi nắm lúa tươi mới gặt cho vịt ăn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, huyện Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000 ha đất nông nghiệp; đến năm 2025 thì chỉ còn giữ lại 350 ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực.
Huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Chủ trương cho phép chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện thuận lợi, giúp cho Bình Chánh phát triển theo hướng phù hợp với tình hình của địa phương.
Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, huyện Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000 ha đất nông nghiệp. Đến năm 2025 thì chỉ còn giữ lại 350 ha đất chuyên trồng lúa. Ảnh: Nguyên Vỹ
Các khu vực cho chuyển đổi có thể kể đến như thị trấn Tân Túc, hiện đang phát triển đô thị hóa, tiếp đó là các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Nhựt. Những địa phương này có điểm chung là tốc độ đô thị hóa nhanh, trên nền quy hoạch còn giữ là đất nông nghiệp nhưng thực tế đã phát triển sang đô thị rồi.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, Chính phủ cho phép TP.HCM chuyển mục đích sử dụng hơn 29.000 ha đất nông nghiệp thành các loại đất phi nông nghiệp trong kỳ quy hoạch sử dụng đất từ 2010 đến 2020. Từ năm 2010 đến 2015 đã chuyển được hơn 3.000ha. Hơn 26.000ha đất còn lại trong chỉ tiêu sẽ được chuyển mục đích sử dụng từ năm 2016 đến năm 2020. |