Những bộ đèn gia tiên sáng bóng là thứ không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết. Do vậy, trung bình vào khoảng Rằm tháng Chạp âm lịch là công việc này bắt đầu và kéo tài tới tận chiều 30 Tết.
Chúng tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Văn Tư, tuổi trạc lục tuần, một người thâm niên nhất nhì trong nghề này tại xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, vào cuối buổi chiều 22 tháng Chạp âm lịch. Quệt những giọt mồ hôi trên trán, ông chia sẻ: Để có đánh bóng một bộ chân đèn sau một năm khói bụi bám thì phải trải qua 4 công đoạn.
Cặp chân đèn đã cũ kỹ qua một năm |
Đầu tiên, chân đèn được tháo ra thành 3 phần và ngâm vào hỗn hợp nước với me sống đập giập để lớp đồng bị oxy hóa bên ngoài (bà con hay gọi là ten) phản ứng hóa học với hỗn hợp này mà rời ra. Ông cho biết có những nơi sử dụng hóa chất độc hại thay vì hỗn hợp nước me. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của chân đèn, và sẽ nhanh chóng bị mờ đi sau khi được đánh bóng.
Sau đó, những phần này được lấy ra, lau khô và bắt đầu được tiến hành đánh bóng với một loại lơ chuyên dụng. Theo quan sát chúng tôi nhận thấy máy đánh bóng của ông Tư là tự chế. Một thanh sắt tròn khoảng 30 phân, đầu được quấn lớp vải cứng, gắn vào một mô-tơ chạy điện. Lớp vải cứng quay tròn sẽ loại bỏ những lớp bẩn trên chân đèn.
Sau khi hoàn thành khâu này, những chiếc chân đèn được lau lại cẩn thận lần nữa trước khi được phủ lên một lớp bột mì mỏng để không bị dính bẩn từ bàn tay cũng như khói bụi. Và cuối cùng sẽ được phơi ngoài nắng một thời gian ngắn để tăng độ sáng.
Khi được hỏi về giá đánh bóng một bộ chân đèn, ông Tư trầm ngâm: Do chủ yếu phục vụ bà con trong xã nên những năm qua ông không hề tăng giá; vẫn giữ mức 45.000 đồng/cặp cho dù chí phí cho việc mua me sống, giá điện, lơ và bột mì ngày một tăng. Ông Từ nói có những người đưa thêm những bộ lư hương, chuông hay tứ túc kèm theo chân đèn nhưng ông vẫn không lấy thêm tiền.
Chân đèn được ngâm trong hỗn hợp nước me |
Tai nạn nghề nghiệp cũng là điều khó tránh khỏi. Có người mua phải những bộ chân đèn "dỏm", qua một thời gian, lớp đồng mỏng được xi bên ngoài đã tróc gần hết. Khi ông tiến hành đánh bóng thì chỉ còn lại màu trắng của nhôm! Người chủ thấy vậy liền vội vã to tiếng, ông chỉ biết cười mếu.
Giai đoạn đánh bóng |
Sáng lấp lánh trong nắng Xuân |
Và ánh lên một vẻ đẹp tâm linh |
Khi thấy những bộ chân đèn cũ kỷ được khoác lên mình lớp áo mới đẹp lung linh, chúng tôi cảm nhận ông đã thật sự thổi hồn vào trong đó. Bao công sức đã bỏ ra cho những vật vô tri ẩn chứa vẻ đẹp của sự tâm linh.
Nguyễn Đoàn