Dân Việt

Cục Thú y thông tin tới báo chí về tình hình dịch lở mồm long móng

Ngọc Lê- An Nhiên 03/01/2019 08:48 GMT+7
Chiều 2.1, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã tổ chức gặp gỡ với các cơ quan báo chí để thông tin về diễn biến của dịch lở mồm long móng (LMLM) đang xảy ra trên đàn lợn. Tại buổi gặp gỡ này, lãnh đạo Cục Thú y đã thừa nhận có nhiều vấn đề về tổ chức hệ thống và công tác thông tin truyền thông về phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thời gian qua...

Thông tin về tình hình dịch LMLM, ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh...), tổng số gia súc mắc bệnh là 2.388 con, chủ yếu là lợn thịt (2.372 con) mắc bệnh do chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM. Tính đến ngày 1/1 cả nước có 24 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

img

 Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y chủ trì cuộc họp trao đổi với báo chí chiều nay (2/1) để thông tin về diễn biến dịch lở mồm long móng (LMLM) đang bùng phát ở một số địa phương trong nhiều ngày qua. Ảnh: An Nhiên.

Phân tích nguyên nhân bùng phát dịch LMLM, ông Long cho hay, có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định; Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; Một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm; Việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng...

img

Từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh...), tổng số gia súc mắc bệnh là 2.388 con, chủ yếu là lợn thịt (2.372 con) mắc bệnh do chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM. Ảnh: IT

Dân Việt: Vừa qua, thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh trên trang web của Cục Thú y rất chậm, cụ thể ngày 26/12/2018, trang web của cục đưa thông tin mới xảy ra 5 ổ dịch, tuy nhiên sang ngày 27/12/2018 đã tăng lên 29 ổ dịch và một ngày sau đó là 38 ổ dịch. Vậy phải chăng, trước đó Cục không nắm được thông tin hay vấn đề gì?

- Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ: Quy định về công bố dịch rất rõ ràng, khi có dịch bệnh, người dân phải thông báo với thú y và địa phương nhưng thực tế việc nhận thức phối hợp của người dân chưa được tốt.

img

Từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh...), tổng số gia súc mắc bệnh là 2.388 con, chủ yếu là lợn thịt (2.372 con) mắc bệnh do chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM. Ảnh: IT

Ngày 6/12/2018 khi có thông tin dịch bệnh, Cục Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra xuống kiểm tra tại các địa phương ở Hà Nội và đề nghị địa phương báo cáo ngay. Tuy nhiên sau đó chúng tôi vẫn không nhận được báo cáo. Đến ngày 21/12/2018, địa phương mới gửi báo cáo cho Cục và số liệu giống hệt báo cáo ngày 6/12.

Tình trạng trên diễn ra tượng tự ở tỉnh Hòa Bình, Cục Thú y phải gửi nhiều văn bản cho Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình thì địa phương này mới có báo cáo gửi cục và con số theo báo cáo thì các ổ dịch tăng lên rất nhiều (10 ổ dịch).

Trong thời gian trên, Cục Thú y đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra xuống các địa phương và quán triệt tinh thần nếu địa phương nào dấu dịch sẽ bị xử lý, lúc đó các địa phương mới bắt đầu báo cáo dồn dập. Nói như thế không có nghĩa các địa phương không nắm được tình hình dịch bệnh, chắc chắn họ nắm được, tuy nhiên họ không báo cáo như quy định.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2, từ trái sang), cùng đoàn công tác của Cục Thú y đi kiểm tra dịch LMLM tại các địa phương.

Dân Việt: Vì sao dịch LMLM xảy ra trên diện rộng, song cho thấy sự vào cuộc chậm của lãnh đạo Cục, cũng như hệ thống thú y cơ sở. Điều này dẫn đến việc thời gian vừa qua, người dân tự ý bán đổ, bán tháo lợn bệnh, vứt xác lợn chết xảy ra tại rất nhiều nơi như Bắc Giang, Hà Nam...?

Ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y: Trước tiên, chúng tôi xin cảm ơn các cơ quan báo chí đã tích cực đưa tin về tình hình dịch bệnh trong thời gian vừa qua. Trên thực tế, ngay từ ngày 6/12/2018, khi nắm được thông tin dịch bệnh xảy ra tại Ba Vì (Hà Nội) và người dân đã vứt xác 5 con lợn chết ra bãi rác, chúng tôi đã lên kiểm tra. Ngày 29/12/2018, Bộ NN&PTNT đã thành lập Đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu cùng Cục trưởng Cục Thú y, Lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của các đơn vị liên quan đến các địa phương của thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình để hướng dẫn, đôn đốc và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM.

Trong suốt thời gian Tết Dương lịch vừa qua, chúng tôi cũng liên tục cử các đoàn đi về các địa phương chỉ đạo chống dịch và trên thực tế hiện ở một số địa phương, tình hình dịch bệnh đã giảm rõ rệt, cả nước đang còn 24 ổ dịch. Tuy nhiên, qua kiểm tra chúng tôi cũng nhận thấy, trong thời gian qua công tác thông tin tuyên truyền cho người dân chưa đầy đủ, nên người dân tưởng không được hỗ trợ đã không khai báo dịch bệnh. Trên thực tế, giá hỗ trợ tiêu hủy đối với 1kg lợn hơi hiện là 38.000 đồng, nhưng do giá lợn đang cao (42.000-45.000 đồng/kg), nên người dân đã bán thay vì khai báo để tiêu hủy theo quy định.

VTC 16: Việc tổng hợp dịch bệnh của Cục Thú y đang đi sau tình hình thực tế, công tác thống kê đang đi không đúng như thực tế. Lãnh đạo Cục lý giải thế nào về vấn đề này?

- Ông Phạm Văn Đông: Thực tế, công tác thống kê dịch bệnh Cục Thú y phụ thuộc từ dưới lên, từ trưởng thôn báo cáo lên xã, xã báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh và tỉnh báo cáo Trung ương. Bên cạnh đó cán bộ thú y ở địa phương bây giờ đang rất thiếu, đây là vấn đề khó khăn, nhiều cán bộ bỏ nghề bởi chế độ phụ cấp rất thấp, có nơi chỉ 200.000-300.000 đồng/tháng, phụ cấp ít khiến cán bộ thú y cơ sở không mặn mà với công việc.

Hiện các địa phương đang sắp xếp lại hệ thống tổ chức theo hướng gộp đầu mối để tinh giảm biên chế; một số Chi cục được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT; nhiều tỉnh đã cắt giảm rất nhiều nguồn nhân lực và kinh phí, do đó không còn bảo đảm khả năng tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Nhiều tỉnh, thành phố đã sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y với các đơn vị khác thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND huyện quản lý. Do vậy, các Chi cục Chăn nuôi và Thú y không còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y trực thuộc như trước đây; và việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM nói riêng và công tác thú y nói chung do các Trung tâm này thực hiện theo chỉ đạo của UBND cấp huyện.

Chính vì các lý do trên, chúng tôi đã bị cắt mất "chân rết" ở cơ sở, hiện chúng tôi không có hệ thống bên dưới, bởi với cách tổ chức như trên là "cắt ngang", tức hệ thống cán bộ thú y lại thuộc về UBND xã, UBND huyện, chúng tôi không thể chỉ đạo được họ theo ngành dọc như trước kia.

Dân Việt: Để dịch LMLM bụng phát nhanh như hiện nay một phần do Cục Thú y đã không vào cuộc ngay từ đầu và Cục có trách nhiệm như thế nào về việc này?

- Ông Phạm Văn Đông:  Cục Thú y đã rất nỗ lực trong việc chỉ đạo điều hành địa phương phòng chống dịch. Ngay từ đầu năm 2018, Cục Thú y đã tham mưu Bộ NNPTNT hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch bệnh LMLM, thành lập hàng chục đoàn kiểm tra các loại dịch bệnh nói chung.

Ngay tại Hà Nội khi nhận được thông tin dịch LMLM, Cục Thú y đã cử đoàn kiểm tra lên kiểm tra và hướng dẫn xử lý dịch bệnh. Tiếp sau đó chúng tôi có 3 đoàn đi kiểm tra các địa có dịch.

Qua quá trình kiểm tra chúng tôi thấy rằng các địa phương đã rất nỗ lực, quyết liệt phòng chống dịch. Qua kiểm tra thực tế, tất cả các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi lợn nái lợn thịt lợn giống ở một nơi nên dịch bệnh phát sinh cả ở lợn thịt.

Tiền Phong: Dịch LMLM ban đầu xuất hiện ở Hà Nội từ ngày 6/12/2018, nhưng đến 20 ngày sau, Hà Nội mới công bố dịch. Vậy, có phải Hà Nội giấu dịch không và nếu địa phương này giấu dịch thì xử lý thế nào?

- Ông Phạm Văn Đông: Theo quy định của Luật Thú y, khi dịch lây lan trên diện rộng, địa phương tiến hành lấy mẫu để xác định dịch bệnh, sau đó địa phương sẽ tiến hành công bố dịch bệnh. Hà Nội cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, dù họ chưa thông báo cho Cục Thú y nhưng họ đã triển khai dập dịch quyết liệt, chính vì thế từ bùng phát 16 ổ dịch, nay chỉ còn 4 ổ dịch. Hay như tỉnh Hòa Bình, có 10 ổ dịch, nay chỉ còn 2 ổ dịch, tỉnh này cũng làm rất quyết liệt, duy chỉ có điều họ chưa báo cáo cho Cục Thú y thôi”.

Bên cạnh đó, dịch hiện nay chỉ xảy ra nhỏ lẻ như "xôi đỗ" ở địa phương này, địa phương kia. Ví dụ như Hà Nam có 2 ổ dịch nhưng chỉ có 7 con lợn. Thực tế tổng đàn lợn của Việt Nam trên 30 triệu con, hiện nay có 48 ổ dịch cũng chỉ có trên 2.000 con lợn bị dịch thôi, và đã tiêu hủy gần hết, dịch đã giảm hẳn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ cho biết thêm, Hà Nội không phải dấu dịch, họ chỉ báo cáo chậm.

VTV : Do lo ngại dịch bệnh nên bà con bán tháo lợn thịt rất rẻ, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho tết. Vậy định hướng, giải pháp của Cục Thú y sắp tới cho bà con chăn nuôi như thế nào?

- Ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y: Phương hướng sắp tới, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, đối với các địa phương yêu cầu phải xử lý dứt điểm với những ổ dịch đã phát hiện, chỉ cần lợn có triệu chứng là được phép tiêu hủy, không cần chờ xét nghiệm, đồng thời hỗ trợ ngay cho bà con theo quy định.

Yêu cầu các tỉnh đang có dịch phải công bố dịch, trường hợp nếu dịch xảy ra nhỏ lẻ, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiêu hủy và hỗ trợ cho người dân như sau khi công bố dịch.

Đối với các địa phương chưa có dịch cần phòng dịch và phát hiện sớm, khi lợn có triệu chứng, cần chủ động lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con trong vấn đề phòng chống dịch.