Nỗi ám ảnh bạo hành
Đầu đông, quán nước ven đường nằm ở lối vào Công ty Than Khe Sim, cây số 10, phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả do người phụ nữ tàn tật làm chủ, quán khá đông khách. Trong những câu chuyện chớp nhoáng, cuộc đời bi thương đầy nước mắt của chị mỗi lúc thêm hé mở.
Quán nước của chị Mai lúc nào cũng đông khách. Ảnh: Gia Tưởng
Theo Công an TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh): Người chồng trong vụ án là Nguyễn Văn Xuân (SN 1972) và vợ là Trần Thị Mai (SN 1978), quê ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên) ra vùng mỏ Quang Hanh làm ăn và sinh sống. Vụ án xảy ra vào chiều cuối năm (31.12.2014) trước cửa một ngôi nhà thuộc ngõ 35, tổ 3, khu 4, phường Quang Hanh. Vì ghen tuông Xuân đi tìm vợ và đã rút chốt nổ quả mìn tự chế cài sẵn trong người khiến Xuân tử vong tại chỗ, chị Mai bị thương nặng phải đi cấp cứu. |
Hầu hết những người khách đến quán nước của chị đều là khách quen, đã hiểu khá rõ về hoàn cảnh của chị. Họ đến để ủng hộ, động viên chị trong từng chén trà, chén nước hay điếu thuốc. Ai cũng ái ngại với những vết thương trên mặt, khắp người và cánh tay cụt của chị kết quả sự bạo hành, ghen tuông của người chồng mù quáng để lại. May mắn trong vụ nổ ôm mìn tự sát của người chồng ngày đó, chị Mai đã sống sót, nhưng thương tật chị phải mang theo thì vĩnh viễn không thể chữa lành.
Chị nhăn nhó cười buồn chỉ vào những vết sẹo trên mặt, trên người mình: “Dù không chết nhưng nỗi đau cứ kéo dài dai dẳng, gặm nhấm cơ thể tôi mỗi khi trái gió trở trời. Mỗi khi đau đớn, tôi lại nhớ tới hành động độc ác của chồng” - vừa nói, chị vừa đưa cánh tay còn lại khẽ chấm nước mắt. Chị Mai nghẹn ngào phân trần: “Anh ta muốn chết, nhưng tôi thì không, tôi còn phải lao động, phải kiếm sống, phải nuôi con”. Chị Mai cũng rất buồn sau khi vụ nổ xảy ra, thậm chí trong đám tang chồng còn đó, có người nói rằng do chị quá xinh đẹp nên chồng hay ghen. Chị cười đau khổ: “Tôi cũng không xinh đẹp đến mức như mọi người nói. Chúng tôi mâu thuẫn lâu rồi, đã nhiều lần có ý định ly hôn. Nguyên nhân là do anh ấy rượu chè, bài bạc, đánh đập tôi, chứ không phải do ghen. Nếu như sớm ly hôn thì chúng tôi không có hậu quả như ngày nay”.
Trong cơn mưa nặng hạt, chị Mai hồi tưởng lại quá khứ. Vợ chồng chị kết hôn năm 1994, sáu năm sau họ từ quê ra vùng mỏ Mông Dương (TP.Cẩm Phả) làm thuê. Như bao đôi vợ chồng trẻ khác, chị đi lượm ve chai, buôn bán đồng nát, còn anh Xuân thì xin vào làm công nhân mỏ. Nhưng một thời gian ngắn sau họ đã mâu thuẫn, mỗi lần cãi vã, anh Xuân lại đánh vợ. Ba năm sau, họ chuyển vào Nam tìm vùng đất mới để làm ăn. Nhưng ở được một năm thì vợ chồng lại dắt nhau quay về quê. Cứ thế, chuyển đi chuyển lại tới 5 lần thì họ mới ở ổn định tại vùng đất Mỏ.
Tuy nhiên, từ lúc ổn định nhà cửa, làm ăn thì anh Xuân lại chuyển sang tật nghiện rượu, cờ bạc, nợ nần, do đó cuộc sống vợ chồng chị luôn phát sinh mâu thuẫn và đánh cãi nhau như cơm bữa. “Tôi định ly hôn từ đầu năm 2000 nhưng mọi người khuyên nên đành gắng gượng sống vì con” - chị Mai kể.
Vợ chồng chị có hai người con trai, tuy nhiên ngày tháng hạnh phúc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Xuân thường xuyên về nhà nồng nặc mùi rượu, thua cờ bạc về lại chửi bới, gây sự với vợ con. Những năm tháng sống chung, chị không nhớ hết những trận đòn vô cớ của chồng, nhiều lần làm đơn ly hôn nhưng cuối cùng vẫn chưa thể ra toà được. Nửa tháng trước ngày xảy ra án mạng, anh Xuân lại đánh vợ và đòi chia nhà. Chị để lại nhà cho chồng ở, còn mình chuyển ra ở nhờ nhà người em họ, một tuần sau nữa thì sự việc đau lòng xảy ra.
“Lúc mìn nổ, tôi không biết gì. Tỉnh lại đã là 4 ngày sau, thấy mình nằm trong bệnh viện, phải thở ôxy, không có cảm giác đau đớn” – chị Mai nhớ lại. Mãi sau chị mới biết, cánh tay trái của mình đã bị mất, một nửa gương mặt bị giập nát, còn phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Gia đình nhà chồng đến thăm nói rằng đã lo đám tang cho anh Xuân chu tất, lúc này chị mới biết là chồng chết.
Chống chọi với đau đớn
Mặc dù cơ thể mang nhiều thương tật nhưng chị Mai vẫn cố gắng buôn bán lấy tiền nuôi các con. Ảnh: G.T
"Lúc đó tôi chỉ khóc, oán trách chồng sao ác vậy, tôi tàn tật thế này thì ai nuôi con?”. Chị Trần Thị Mai |
Nhớ lại những ngày đầu cơ cực khi biết mình trở thành tàn phế, trái tim chị đau thắt lại. Đó là những ngày tháng bĩ cực nhất trong cuộc đời người phụ nữ chịu thương chịu khó ấy. Nằm viện đến ngày thứ 4 thì gia đình chị phải xin rút ôxy, ra viện vì không còn tiền. Khi chị có thể đi đứng được thì phải đối mặt với cái đói, cái nghèo, với tiền ăn học của con mỗi ngày, nhìn thấy mình tàn tật, chị không dám soi gương, chỉ biết chảy nước mắt.
Ngày trước, ngoài thu gom đồng nát, chị còn thu dọn cơm cho học sinh, dọn vệ sinh, tối về còn thêu tranh bán. Nhưng bây giờ chỉ còn một cánh tay, nát một bên mặt, trên đùi, cổ, bụng chằng chịt mảnh đá vụn do mìn nổ găm vào đau đớn thì biết làm gì mà nuôi con.
Hơn 2 tháng sau vụ nổ, chị bắt đầu che mặt, vay tiền đi buôn trứng. Khó khăn, ngượng ngập khi chở xe đạp phía sau là 2 sọt trứng đầy. Vấp ngã, trứng vỡ. Hàng xóm thương tình mua trứng vỡ cho chị. Nhà nằm trên đồi, mỗi lần đẩy xe trứng lên dốc là mỗi lần thử thách tính nhẫn nại và sự chịu đựng của chị. Đi bán trứng, trên đường có giấy vụn, chai lọ vứt đi chị nhặt gom lại về bán. Thấy vậy, nhiều gia đình cảm động đã thu gom đồ bỏ đi trong nhà cho chị.
Đã 2 năm nay, chị Mai không còn phải một tay đẩy xe trứng đi bán rong nữa, chị mở một quán nước nhỏ nằm bên đường vào Công ty Than Khe Sim. Chị cảm động cho biết, quán nước này cũng là nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hoàn cảnh của mẹ con chị. Chị cho biết, nhiều người thương tình đến ủng hộ. Nụ cười của người phụ nữ một thời nổi tiếng xinh đẹp giờ đây méo mó do phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, khâu cắt nhiều lần.
Do sức ép của mìn làm chị đứt vành tai, rách màng nhĩ tai trái, chị luôn phải chịu những cơn đau đầu khủng khiếp. “Năm thứ 3 đau nhức quá phải đi mổ. Mổ xong vẫn đau tê dại hết tai và lan xuống gáy cổ. Vá màng nhĩ rồi nhưng tai không nghe được nữa” - chị buồn bã nói. Vùng cổ của chị không những bị cháy còn găm đầy đất đá do mìn nổ bắn vào. Chị phải trải qua 5 lần phẫu thuật cổ họng.
Dù bệnh tật như vậy nhưng người phụ nữ này vẫn vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ngoài hưởng hơn 500.000 đồng tiền trợ cấp người tàn tật mỗi tháng, mẹ con chị sống nhờ vào quán nước ven đường. Hàng ngày chị dậy từ 5 giờ sáng mở quán đến nửa đêm mới về. Mọi công việc nặng nhọc đều dồn vào một cánh tay còn lại. Tiền kiếm được ngoài trang trải, nuôi con, còn lại chị để dành chữa bệnh vì hàng tháng đều đặn phải tới viện hai lần.