Trong 5 huyện, thành phố được ghi nhận có dịch lở mồm long móng thì huyện Phù Ninh có nhiều ổ bệnh nhất. Theo ghi nhận, tại đây phát hiện 6 xã có ổ bệnh, với 400 con lợn bị mắc bệnh. Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của ngành chức năng và tuyên truyền bà con nông dân áp dụng các biện pháp cách li, đến nay có 2 xã đã qua 21 ngày không phát sinh ổ bệnh mới.
“Khoảng cuối tháng 11.2018, Phù Ninh ghi nhận có tình trạng lợn bị dịch lở mồm long móng. Ngay sau khi phát hiện, Trạm thú y huyện đã cử cán bộ xuống địa phương tuyên truyền cho người dân không giấu dịch, không bán chạy, không giết mổ tự do, đồng thời tham mưu với UBND huyện để đề nghị hỗ trợ vắc xin, hóa chất khử trùng tiêu độc cho xã bị dịch”, bà Vũ Thị Hương Giang, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Ninh cho biết.
Nhờ phát hiện sớm nên nhiều ổ dịch lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được khống chế.
Theo thống kê của ngành thú y Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố có dịch lở mồm long móng. Trong đó, có 3 xã, phường có lợn đã khỏi bệnh và không có phát sinh lợn mắc bệnh mới gồm: Vân Phú, Tân Đức (TP.Việt Trì); Đỗ Xuyên (huyện Thanh Ba).
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 10 xã hiện đang có lợn mắc bệnh, gồm: Lệ Mỹ, Tiên Du, Gia Thanh, An Đạo (huyện Phù Ninh); Bằng Luân, Đại Nghĩa, Hùng Long (huyện Đoan Hùng); Hiền Lương, Động Lâm, Lâm Lợi (huyện Hạ Hòa).
Trước diễn biến của dịch lở mồm long móng, ngành thú y tỉnh Phú Thọ đã cấp 572 lít hóa chất khử trùng cho các huyện: Phù Ninh (100 lít); Thanh Ba (50 lít); Đoan Hùng (100 lít); Hạ Hòa (72 lít) và TP.Việt Trì (250 lít) để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chống dịch. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn như khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chống dịch. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
Để ngăn ngừa dịch lở mồm long móng lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ đã và đang phối hợp cùng UBND các huyện, thành, thị tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ lây lan, các biện pháp phòng, chống dịch để người dân biết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; vận động người dân không giết mổ, bán chạy gia súc.
Trước mắt, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo cán bộ thú y điều trị tích cực cho gia súc mắc bệnh; thành lập các Tổ kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn, bán vận chuyển gia súc (trâu, bò, lợn, dê); nghiêm cấm mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc mẫn cảm (lợn, trâu bò, dê) ra vào địa bàn, đồng thời triển khai phun khử trùng tiêu độc ở những khu vực xảy ra dịch bệnh.