Lá thư rất dài nhưng trong đó ông Trung đã đặt ra một vấn đề khiến nhiều người phải giật mình:
"Nếu như hôm nay, đài truyền hình quốc gia kinh doanh bóng đá bằng một kênh K+ thì liệu nay mai, họ sẽ kinh doanh tiếp các chương trình khác là nhu cầu thiết yếu của nhân dân như sân khấu, phim truyện, ca nhạc... bằng một kênh Z+ nào đó thì dân chúng một lần nữa lại phải trả tiền?
Vậy còn gì là lấy tiêu chí phục vụ nhân dân làm đầu? Chưa kể rằng, với khách hàng truyền hình cáp trước đây đã ký hợp đồng với nhà đài đã có những điều cam kết. Nay trước khi thay đổi nội dung trong bản hợp đồng, truyền hình cáp không hề ký lại hợp đồng với khách hàng. Liệu có là sai luật?"
Hiển nhiên, trong kinh doanh, lợi nhuận phải được đặt lên hàng đầu song nó cũng phải phù hợp để đông đảo người mua hàng (ở đây là người xem truyền hình chấp nhận). Ngược lại, thứ hàng hóa đó dù có độc quyền vẫn có khả năng bị tẩy chay.
Trước đây, truyền hình kỹ thuật số VTC cũng từng có bản quyền Giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm nhưng lại dùng nó như một điều kiện để liên tục nâng cấp đầu thu. Nghĩa là muốn xem, người ta phải bỏ đầu cũ, mua đầu mới trong tâm trạng không biết thời gian tới có một loại đầu thu nào đó xuất hiện nữa hay không. K+ có thể đang tính chuyện đi đúng vào vết xe đó. Ngoài chuyện giá cước cao, rất nhiều người hâm mộ lo ngại rằng sẽ xuất hiện thêm những đầu thu khác của K+.
Trong kinh doanh, còn có khái niệm đạo đức. Đừng biến người xem thành con tin của các nhà đài và kiếm lời trên một thứ tình yêu rất trong sáng, là tình yêu bóng đá.
Vi Thành