Bò giống và câu chuyện thoát nghèo bền vững
Bản Pạt có 175 hộ thì có tới 49 hộ nghèo và 43 hộ cận nghèo (chiếm hơn 50% dân số toàn bản). Nghèo đói khiến cho khung cảnh bản làng cũng đìu hiu, buồn bã. Ở đây nhà nào khá giả thì có ngôi nhà vách gỗ lợp tôn, còn lại đa phần là nhà mái tranh được dựng lên từ vài tấm vách, rỗng tuếch.
Bò giống được Viettel tặng cho bà Hà Thị Thẩm đã sinh 2 lứa. Ảnh: Thùy Anh
Trong giai đoạn 2017- 2018, Viettel đã hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại huyện Bá Thước tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng, tập trung ở các chương trình như hỗ trợ bò (230 con), hỗ trợ xóa nhà tạm (với 100 căn nhà) và hỗ trợ xây dựng Trạm y tế xã Kỳ Tân gần 3,9 tỷ đồng. |
Chị Lương Thị Thái (36 tuổi, dân tộc Thái) ở thôn Pạt (Bá Thước, Thanh Hoá) là 1 trong 10 hộ dân vừa mới thoát nghèo. Thế nhưng, ngôi nhà của chị được dựng lên từ 4 cọc bê tông, bên cạnh quây vài viên gạch làm vách, phía trên lợp lá nhưng bốn bề không có một cánh cửa.
“Nhà mình còn nghèo lắm, chồng phải đi làm thuê rồi nhưng chỉ đủ ăn với nuôi con học thôi. May được Nhà nước tặng tiền xây nhà, tặng bò chăn nuôi nên gia đình mới bớt khổ” – chị Thái chia sẻ.
Con bò mà chị nhắc tới được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tặng hồi tháng 5.2017. Sau thời gian chăm bẵm, nó đã chửa và dự kiến sinh bê con vào tháng 3.2019. Chị Thái ấp ủ nhân giống thành đàn bò và đặt mục tiêu tiết kiệm tiền để sửa lại căn nhà.
Không chỉ xã Kỳ Tân, nhiều người nghèo trên địa bàn toàn huyện Bá Thước cũng được tặng bò, hỗ trợ tiền xây nhà. Bà Hà Thị Thẩm (60 tuổi) hộ nghèo ở thôn Tráng, xã Lâm Xa (Bá Thước, Thanh Hoá) cho biết, năm 2014 cũng được Viettel tặng 1 con bò cái. Sau hơn 3 năm nuôi dưỡng, con bò đã đẻ 2 lứa. Con bò đầu là bò đực, còn con bé là bò cái mới 7 tháng tuổi.
Chồng bị tai nạn lao động nằm liệt một chỗ, hai con bỏ học đi làm xa, ở nhà một mình bà Thẩm vật lộn với 2 sào ruộng và 3 con bò cùng 1 sào mía. Nhưng niềm vui vẫn đong đầy vì gia tài đang ngày một sinh sôi.
“Giờ đây tất cả lá mía, lá ngô đều được nhà tôi tận dụng để nuôi bò. Tôi dự định sẽ để 2 con bò con nuôi, rồi nhân đàn. Hôm rồi có người trả 22 triệu đồng con bò đực nhưng tôi không bán” – bà Thẩm kể.
Cần nhiều thứ để thoát nghèo
Là Bí thư, kiêm trưởng bản Pạt, ông Hà Xuân Thuỷ (55 tuổi) cho biết, so với mấy năm về trước, giờ đây bản làng đã đổi thay nhiều. Như nhà chị Lương Thị Thái giờ không chờ hỗ trợ nữa mà muốn vươn lên cùng với “chiếc cần câu” là con bò giống được tặng.
Chị Lương Thị Tăng – cán bộ chính sách xã Kỳ Tân cho biết, năm 2015 toàn xã có hơn 40% hộ nghèo thì năm 2018 chỉ còn 16,8%, cụ thể có 160 hộ nghèo/950 hộ. Thành quả này là nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền bền bỉ nhằm thay đổi nhận thức của người nghèo, giúp họ chủ động vươn lên.
“Đặc biệt thời gian qua được bên Viettel tặng nhà, tặng bò bà con rất phấn khởi. Để hoạt động giảm nghèo có hiệu quả địa phương thường xuyên giám sát, hướng dẫn bà con cách chăm sóc bò” – chị Tăng chia sẻ.
Thực tế, việc được tặng bò giống và hỗ trợ tiền xây nhà kiên cố cho người dân không tạo ra một cú nhảy vọt về giảm nghèo tại Bá Thước. Thế nhưng, chiếc “cần câu” là con bò hay căn nhà là bệ đỡ để họ nỗ lực thoát nghèo bền vững. Với căn nhà kiên cố, những hộ nghèo ở Bá Thước bớt ốm đau, con bò giúp họ tận dụng được các sản phẩm nông nghiệp trồng được.
Và khi nỗ lực mỗi ngày để nuôi bò lớn, đẻ ra con bê, người nghèo tự phát hiện ra cho mình nhiều điều quan trọng hơn chính con bò được tặng. Giấc mơ có đàn bò của chị Thái hay bà Thắm phản ánh nỗ lực thoát nghèo bền vững thực sự chứ không còn rơi vào vòng luẩn quẩn hết hiện vật được tặng thì lại… tái nghèo.
Đại tá Lê Ngọc Vinh - Phó Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Viettel chia sẻ: “Khi thực hiện chương trình 30A ở 3 huyện nghèo là Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đăk Rông (Quảng Trị), chúng tôi muốn cùng với người dân, chính quyền tạo ra sinh kế thoát nghèo bền vững chứ không tập trung vào những thứ có kết quả ngay nhưng không bền. Đó là lý do Viettel đầu tư nhiều vào hạ tầng an sinh xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở và sinh kế như việc tặng bò giống, cây trồng…”.