Gỡ rào cản về đất đai
Ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – nhận định: Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình tích tụ ruộng đất rất khó khăn. Do đó đề nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT có cơ chế chính sách để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là cây lúa và cây ăn quả. Bên cạnh đó, Bộ cần nghiên cứu bổ sung một số chính sách phát triển nông nghiệp, hướng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn hiện đại phù hợp với lợi thế địa phương, làm động lực cho địa phương phát triển.
Chế biến dừa xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Me kong. Ảnh: T.L
Về phía doanh nghiệp (DN), để đạt được mục tiêu ngành nông nghiệp đề ra cho năm 2019, ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình kiến nghị, Nhà nước cần tháo gỡ các nút thắt. Theo đó, phải phát triển ngành công nghệ giống cây trồng Việt Nam; miễn thuế nhập khẩu cho thiết bị chế biến, xem xét lại thuế đối với thuế thu nhập cá nhân vì DN nông nghiệp chịu rủi ro cao; cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa…
Doanh nghiệp cần cải cách thể chế
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, một tín hiệu rất đáng mừng là phần lớn các ý kiến, kiến nghị của địa phương và DN tập trung vào cải cách thể chế, cơ chế chứ không đề xuất ưu đãi.
Trả lời câu hỏi tại sao ngành nông nghiệp năm 2018 đạt được thành tích tốt như vậy? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hướng vào mục tiêu phục vụ cụ thể cho DN. Thể hiện rất rõ ở cả cải cách hành chính, điều kiện kinh doanh, tiếp cận thị trường, chất lượng sản phẩm...
Năm 2019, Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVPTA,… có hiệu lực. “Đây sẽ không còn câu chuyện của Trung ương, địa phương với DN mà cần chung tầm nhìn với nhau” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần khắc phục cho được những hạn chế, trước hết là công tác phát triển thị trường. Năm 2018 XK nông lâm thủy sản đạt hơn 40 tỷ USD, có thể lên 43 - 45 tỷ USD không? Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năng lực sản xuất làm được nhưng phải khai thác được thị trường từ các FTA. Do đó, cần phải tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, khai thác cơ chế ưu đãi thuế quan và khắc phục các hàng rào kỹ thuật mà của các nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: Trong năm 2019, câu chuyện tiền tệ, tín dụng sẽ là yếu tố tác động rất mạnh đến năng lực của sản phẩm cũng như DN.
Do đó, cơ chế điều hành linh hoạt, kịp thời dựa trên bài học kinh nghiệm tốt trong năm 2018 của Chính phủ trong chính sách XK và sự phối hợp kịp thời giữa các bộ ngành công thương, NNPTNT và Ngân hàng Nhà nước,… cần phải được tiếp tục phát huy. “Năm 2019 sẽ tiếp tục chứng kiến những bước đột phá của ngành nông nghiệp Việt Nam”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kỳ vọng.