Đại tướng Phạm Văn Trà kể: "Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi được phân công tiếp tục ở lại Sư đoàn 4 của Quân khu 9 tham gia tiếp quản các địa phương, xây dựng chính quyền mới và giúp nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ ổn định cuộc sống".
Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - nói về Sư đoàn 330 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
"Đến cuối năm 1976, quân Pôn Pốt tiến công vào lãnh thổ nước ta, làm cho tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng. Những cuộc tiến công này vô cùng tàn bạo, chỉ tính từ ngày 30.4.1975 đến tháng 6.1977, chúng đã xâm phạm biên giới trên 2.000 lần, giết hại hơn 4.000 người" - Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết.
Đại tướng Phạm Văn Trà kể tiếp: "Trước đòi hỏi cấp bách của tình hình bảo vệ biên giới Tây Nam, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Sư đoàn 330 và lúc đó tôi được bổ nhiệm làm Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng".
Đến đêm 30.4.1977, quân Pôn Pốt bất ngờ tiến công xâm lược toàn biên giới Tây Nam nước ta. Cụ thể, chúng đánh vào 13 đồn công an và 14/16 xã dọc tuyến biên giới (từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương thuộc tỉnh An Giang), tàn sát dã man dân thường, đốt phá nhà cửa, trường học, cướp bóc của cải...
Sư đoàn 330 trong đánh trận đánh ở Phú Cường. (Ảnh tư liệu)
"Trước tình hình trên, Sư đoàn 330 nhanh chóng phân công lực lượng chiến đấu trên tuyến biên giới tỉnh An Giang Theo đó, Trung đoàn 1 lên khu vực thị xã Châu Đốc, Trung đoàn 2 lên Tịnh Biên, Trung đoàn 3 lên Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn. Sư đoàn 330 lúc này hình thành hai sở chỉ huy, Sở chỉ huy cơ bản ở Vàm Cống (thị xã Long Xuyên), Sở chỉ huy tiền phương (đặt tại chùa Hoa Long ở chân núi Trà Sư, huyện Tịnh Biên) do tôi phụ trách, trực tiếp chỉ huy chiến đấu" - Đại tướng nhớ lại.
Từ tháng 5 đến tháng 10.1977, Sư đoàn 330 đã phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương thực hiện nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khôi phục những địa bàn bị quân Pôn Pốt lấn chiếm trên dọc tuyến biên giới như: Vĩnh Điêu, Đầm Chích, Bắc Hà Tiên, Phú Cường, Tri Tôn, Ba Chúc, Khánh Bình, Khánh An...
Sau đó, do những người đứng đầu tập đoàn Pôn Pốt vẫn thường xuyên sử dụng lực lượng quân đội áp sát biên giới, tiến hành các hoạt động vũ trang chống Việt Nam với quy mô ngày càng lớn nên Bộ Tổng tham mưu quyết định mở đợt phản công đẩy lùi địch, đồng thời, tổ chức truy kích sâu vào lành thổ Campuchia, đánh vào những căn cứ của địch.
Quân Pôn Pốt bị bắt tại trận đánh ở núi Phú Cường. (Ảnh tư liệu)
Thực hiện lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Sư đoàn 330 cùng lực lượng vũ trang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp tổ chức phản công trên hướng biên giới, truy kích địch. Từ ngày 15.12.1977 đến ngày 6.1.1978, Sư đoàn 330 và lực lượng vũ trang các địa phương đã phá tan nhiều căn cứ địch ở các tỉnh Takeo, Kampot, Kirivong (Campuchia), thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, giải thoát cho hàng vạn nhân dân Campuchia thoát khỏi các trại tập trung.
Sau đó, Sư đoàn 300 rút về nước tổ chức phòng thủ ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, quân Pôn Pốt vẫn tiếp tục tiến công vào tỉnh An Giang, đặc biệt là ngày 15.1.1978, chúng đánh chiếm khu vực Ba Chúc và thảm sát hàng nghìn người dân nơi đây.
Nhận thấy việc đánh để xua đuổi, quân Pôn Pốt sẽ không sợ, với sự hỗ trợ của các đơn vị có liên quan, Sư đoàn 330 đã tổ chức phản công mạnh bằng cách sử dụng Trung đoàn 1, Trung đoàn 2, Trung đoàn 3 bao vây, tấn công nhiều hướng vào quân địch.
Đến ngày 19.1.1978, toàn bộ quân địch bị đánh dồn về xuống cánh đồng phía Tây núi Phú Cường như kế hoạch đã đưa ra, tiêu diệt gần hết 1 sư đoàn, diệt gọn 5 tiểu đoàn và làm thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác, thu nhiều vũ khí của địch.
Sau trận đánh trên, Sư đoàn 330 phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang tỉnh An Giang và Đồng Tháp tổ chức phòng thủ vững chắc, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Quân khu 9 cùng với các lực lượng có liên quan giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
"Trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam vừa nói trên, Sư đoàn 330 là đơn vị chủ lực của Quân khu 9. Trong tác chiến, sư đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn và lực lượng các địa phương tổ chức phòng ngự tốt, đập tan mọi cuộc tiến công xâm lược, dần đẩy chiến tranh ra xa biên giới, làm nhụt ý chí xâm lược của kẻ thù. Những kinh nghiệm trong tác chiến này cần tiếp tục nghiên cứu phát triển, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam" - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà nói.