Trận Bạch Mã: Tuân Du “thanh đông kích tây”
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN), La Quán Trung với bút pháp lấy nhà Thục làm trung tâm, đã cho Quan Vũ đóng vai trò chính trong chiến thắng ở Bạch Mã của quân Tào bằng việc chém chết Nhan Lương. Thực tế thì một người giỏi võ nghệ khi đứng giữa hàng vạn quân cũng chỉ có vai trò cực kỳ nhỏ bé, cũng chẳng thể dùng sức để diệt hết quân địch được. Điều làm nên chiến thắng không chỉ ở vũ lực, mà còn là trí tuệ, binh pháp, cách xử lý tình huống, tận dụng ưu thế của mình và hạn chế sức mạnh của đối phương. Sử liệu trong Tam Quốc Chí hoàn toàn củng cố cho quan điểm này.
Tháng 2.200, đại quân của Viên Thiệu đã đến huyện Lê Dương ở bờ bắc Hoàng Hà. Quân tiên phong do Nhan Lương dẫn đầu vượt sông, vây đánh Thái thú Đông quận là Lưu Diên ở huyện Bạch Mã.
Cần nói qua một chút về vị trí của Bạch Mã. Huyện Bạch Mã nay là phía bắc huyện Hoạt, Hà Nam. Thời Tam Quốc, ven Hoàng Hà có một bến đò cũng tên Bạch Mã (Bạch Mã Tân), địa thế không quá hiểm trở, là nơi đại quân có thể thuận lợi vượt sông. Nếu đoạt được huyện Bạch Mã, Viên quân có thể nhòm ngó một dải Yến huyện, Diên Tân, Toan Tảo, lại có thể từ bên cánh uy hiếp Trung Mâu và Trần Lưu. Có thể nói, giữa mấy trăm dặm ven bờ Hoàng Hà, lựa chọn Bạch Mã làm nơi đổ bộ là quyết định chính xác của Viên Thiệu. Cái sai của họ Viên là không chịu tận dụng ưu thế quân số để đổ bộ đồng thời nhiều địa điểm nhằm hô ứng cho nhau, trái lại chỉ để tiền quân đơn độc nam hạ để rồi bị diệt một cách đáng tiếc.
Sai lầm của người này lại là cơ hội cho người khác. Tháng 4.200, Tào Tháo đưa quân lên bắc cứu viện Lưu Diên. Lúc này Quân sư Tuân Du phân tích: Tào quân ít hơn nên không thể đối đầu trực diện, cần phải chia bớt binh lực của Viên quân. Cách làm mà Tuân Du đề xuất là giương đông kích tây: “đến Diên Tân, làm ra vẻ dẫn binh vượt sông đánh hậu phương của chúng, Thiệu tất quay sang phía tây ứng chiến, rồi sau ta đưa khinh binh tập kích Bạch Mã, đánh úp lúc họ không phòng bị, có thể bắt được Nhan Lương vậy”.
Tào Tháo nghe theo kế ấy, diễn biến trận chiến sau đó nằm trong dự đoán của Tuân Du: Viên Thiệu không tăng viện cho phía đông (Bạch Mã) mà “lập tức chia binh kéo sang phía tây (Diên Tân) đối phó”. Tào Tháo chớp thời cơ, bèn dẫn toàn quân khẩn trương đến Bạch Mã, tận dụng ưu thế binh lực vây Nhan Lương. Viên quân hoàn toàn bị bất ngờ, chủ tướng Nhan Lương gấp gáp ứng chiến trong điều kiện thua sút về cả binh lực lẫn sĩ khí, bị Quan Vũ lấy đầu. Đạo tiên phong của Viên quân tan rã.
Quan Vũ chém Nhan Lương ở Bạch Mã
Trận Diên Tân: Tào Tháo “phao chuyên dẫn ngọc”
Tào quân giải vây Bạch Mã, Tào Tháo bèn di dời hết dân ở đó về Diên Tân, lại đem theo rất nhiều lương thảo vật tư tiền bạc, ý đồ là không để lại bất cứ tài nguyên nào cho Viên Thiệu. Viên Thiệu khi ấy đã nhận ra sai lầm, liền gấp rút vượt sông đuổi theo Tào quân về hướng Diên Tân.
Nếu ở trận Bạch Mã, Viên quân hoàn toàn yếu thế và bất ngờ, thì ở trận Diên Tân, binh lực của Viên quân đông hơn, họ chủ động truy kích, quyết tâm báo thù. Tướng lĩnh Viên quân là Văn Xú dẫn kỵ binh đuổi theo đoàn xe vật tư từ Bạch Mã về Diên Tân của Tào quân rất gấp. Lúc này đa số các tướng lĩnh phía Tào đều nhận thấy Viên quân áp đảo về số lượng và đề nghị quay về doanh trại ở Diên Tân để cố thủ thay vì ứng chiến. Tuy nhiên, Tào Tháo lại nhận ra cơ hội chiến thắng ngay trong tình thế tưởng như khó khăn ấy.
Tuy thắng trận ở Bạch Mã và Diên Tân, Tào Tháo vẫn quyết định lui về Quan Độ.
Cơ hội chính là ở đoàn xe vật tư đang cuồn cuộn từ Bạch Mã quay về Diên Tân. Đó có thể là điểm yếu khiến quân địch tấn công cướp đoạt, nhưng cũng có thể là món lợi để dụ địch, là “viên gạch ném ra” – “phao chuyên”, để mà “dẫn ngọc” – lấy lại “viên ngọc quý” mang về. Tào Tháo quyết định mạo hiểm, ra lệnh toàn quân “cởi yên thả ngựa”. Hành động này khiến Viên quân lơi lỏng và kích động lòng tham của một bộ phận lớn binh sĩ. Thế là thay vì công kích quân Tào, kỵ binh Viên quân lại “tranh nhau chạy tới chỗ các xe truy trọng” để cướp lấy tài sản. Điều này hiển nhiên sẽ dẫn đến trận hình bị rối loạn, các đoàn, đội khó liên lạc phối hợp tác chiến. Vậy là kỵ binh quân Tào chỉ việc xông thẳng vào mà đánh. Viên quân bị phá tan, Văn Xú chết trận.
Viên Thiệu mất đi hai danh tướng, nhưng chủ lực phía sau vẫn còn nguyên, Tào quân vẫn chịu sự thua thiệt về quân số. Tháng 4.200, Tào Tháo quyết định rút quân về đóng ở Quan Độ. Viện Thiệu tiến lên giữ Dương Vũ. Cuộc chiến bước vào giai đoạn giằng co.
Viên quân tranh nhau cướp tài vật nên hàng ngũ rối loạn, bị Tào quân đánh bại ở Diên Tân
Trận Quan Độ: đấu trí đấu lực
Tại sao Tào Tháo chọn Quan Độ làm nơi đóng quân để ngăn chặn Viên Thiệu? Điều này phải xét đến vị trí địa lý. Quan Độ nằm trên thượng du Hồng Câu Thủy, là khởi điểm của Biện Hà. Phía tây Hồng Câu là Lạc Dương và Củng huyện, phía đông tiếp giáp với Hoài, Tứ, cũng là lá chắn mặt bắc của Hứa Xương. Nếu Viên Thiệu muốn đánh đến Hứa Xương thì bắt buộc phải đi qua Quan Độ. Có thể nói, Quan Độ chính là yết hầu của Hứa Xương, đúng như lời của Tuân Úc nói vào tháng 10.200: “…vạch đất mà giữ, chẹn yết hầu của địch làm chúng không tiến nổi, đã nửa năm rồi…”.
Ngoài ra, lùi về Quan Độ còn khiến cho Tào quân thuận lợi nhận được tiếp tế từ Hứa huyện, trong khi tuyến đường tiếp vận lương thực quân giới của Viên quân bị kéo dài hơn. Vô hình trung, sau hai trận thắng Bạch Mã-Diên Tân và hành động rút lui chiến lược về Quan Độ, khoảng cách về thực lực của hai nhà Viên-Tào lại tiếp tục được rút ngắn theo chiều hướng có lợi cho Tào quân.
Tháng 8.200, Viên Thiệu lập doanh trại làm nơi đóng binh lâu dài, “đông tây kéo dài mấy chục dặm”. Tào Tháo tránh giao chiến trực diện, cũng lập quân doanh phòng thủ, hai bên giằng co liền hai tháng. Đoạn giằng co này được TQDN mô tả khá sát với chính sử, Viên-Tào thi nhau bày kế: Viên quân đắp gò đất, dựng chòi gỗ để bắn tên vào trong lũy Tào, Tào quân bèn làm xe bắn đá, bắn phá chòi gỗ; Viên quân đào địa đạo để đánh úp trại Tào, Tào Tháo liền dựng lũy dài ở trong để chống lại. Cuộc chiến tiêu hao khá nhiều nhân lực, vật lực của cả hai bên, và không có dấu hiệu kết thúc, trừ phi có một biến cố quan trọng nào đó phát sinh.
Vấn đề là, ai sẽ tạo ra biến cố, ai có thể thay đổi chiến cuộc? Viên Thiệu hay Tào Tháo?