1. Huyết chiến Uyển Thành
Năm 197, năm thứ 2 niên hiệu Kiến An vua Hiến Đế thời Đông Hán, Tào Tháo chinh phạt Kinh Châu, đưa quân đến Uyển Thành, Trương Tú ra hàng. Tào Tháo rất lấy làm vui mừng, nhưng sau đó Trương Tú làm phản, nhân lúc đêm tối dẫn 100 quân kỵ tập kích doanh trại Tào Tháo. Bởi Tào Tháo không có sự phòng bị, Trương Tú đã chiếm ưu thế, Tào Tháo lên ngựa tháo chạy.
Tướng quân Điển Vi ở phía sau ra sức ngăn quân địch tiến vào cửa trại, múa trường kích tả xung hữu đột, chặt gãy mấy chục thanh mâu của quân Trương Tú, làm quân Trương Tú không thể vào được. Một mình tướng Điển Vi với hơn 10 vết thương quần thảo với quân Trương Tú, giết thêm vài chục người, cuối cùng vì bị quá nhiều vết thương nên ông ngã xuống đất chết, mắt còn mở to. Ông chết tới nửa ngày, quân Trương Tú mới dám tiến lại.
Con trai của Tào Tháo là Tào Ngang nhường lại chiến mã cho cha, và dũng cảm ở đằng sau ngăn chặn quân của Trương Tú. Mặc dù ông đã tranh thủ được thời gian cho cha thoát nạn, nhưng bản thân lại bị bao vây giết chết. Cháu trai của Tào Tháo là Tào An Dân cũng chết trận. Lúc này, Tào Tháo đã lui về đóng ở Vũ Âm. Hay tin Điển Vi chết, Tào Tháo thương khóc, sai người đi lấy thi thể ông về, an táng tại Tương Ấp.
Địa vị trong quân Tào của Điển Vi tương tự như Triệu Vân, là đội trưởng cảnh vệ của quân Tào, đã từng cứu Tào Tháo mấy lần, cũng từng đánh ngang tay cùng Hứa Chử. Nhưng những thành tích này đều không để lại ấn tượng sâu sắc như trong trận chiến Uyển Thành. Nhắc đến Điển Vi, là một hình tượng tướng lĩnh trung thành tả xung hữu đột cố thủ nha môn cho đến chết.
Trận chiến Uyển Thành để lại dấu ấn sâu sắc nhất của tướng quân Điển Vi một hình tượng tướng lĩnh trung thành tả xung hữu đột cố thủ nha môn cho đến chết. (Ảnh: youtube.com).
2. Trận Hổ Lao Quan – Tam anh chiến Lã Bố
Trận Hổ Lao Quan là cuộc chiến giữa Đổng Trác – Lã Bố và liên minh 18 lộ chư hầu Quan Đông do Viên Thiệu làm minh chủ vào năm 190. Đó là trận chiến đã khắc họa hình ảnh hào hùng của các vị tướng. Đặc biệt là trận đọ sức trực tiếp nổi tiếng giữa Lã Bố chống lại ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, còn gọi là “Tam anh chiến Lã Bố”: đã đi vào lịch sử, văn hóa Trung Quốc.
Sau khi Quan Vũ chém Hoa Hùng, quân Đổng Trác thua chạy dài. Đổng Trác đích thân dẫn 15 vạn quân tiến ra giữ Hổ Lao quan. Riêng Lã Bố lĩnh 3 vạn quân ra trước quan ải, đóng một trại lớn làm tiền quân còn Đổng Trác thì đóng đồn trên cửa quan. Bên kia, Viên Thiệu họp các tướng lại bàn, cử binh tiến sát cửa Hổ Lao vây đánh. Tào Tháo cũng dẫn quân tiếp ứng. Các chư hầu đều có mặt.
Lã Bố đem 5000 quân thiết kỵ đánh tan quân tiền bộ của Vương Khuông, liên tiếp đánh bại các danh tướng của quân liên minh như Phương Duyệt, Mục Thuận, Vũ An Quốc… Sau đó, Lã Bố lại kéo quân đến thách đánh. Các tướng chư hầu ai nấy đều khiếp sợ trước sự kiêu dũng của Lã Bố.
Công Tôn Toản vác ngọn giáo nhảy ra đánh Lã Bố, mới được vài hiệp thì thua chạy. Lã Bố thúc ngựa xích thố chạy nhanh như bay, đuổi theo gần kịp thì nghe Trương Phi quát lớn: “Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Có Trương Phi người đất Yên đây!”. Lã Bố thấy thế bỏ Công Tôn Toản, đánh nhau với Trương Phi.
Trương Phi hăng hái cố đánh Lã Bố. Hai người đánh nhau được hơn năm mươi hiệp chưa rõ bên nào thua bên nào thắng. Quan Vũ đứng ngoài thấy thế cầm thanh long yển nguyệt đến cùng đánh. Ba con ngựa đứng dàn kiểu chữ đinh, đánh nhau được ba mươi hiệp nữa hai người cũng vẫn không hạ được Lã Bố. Lưu Bị bấy giờ cũng cầm đôi gươm thúc ngựa chạy vào đánh giúp. Ba người vây tròn lấy Lã Bố đánh chẳng khác gì quân đèn cù.
Lã Bố cố sức chống đỡ không nổi, bèn nhắm giữa mặt Lưu Bị phóng vờ một ngọn kích, Bị tránh được, Bố mở góc của trận, cắp đao ngược kích, phi ngựa chạy về. Ba người thúc ngựa sấn vào, quân mã 8 xứ đều reo ầm lên, xô cả ra đánh. Quân Lã Bố chạy về trên cửa Hổ Lao, ba người theo sau đuổi mãi.
Điển cố “Tam anh chiến Lã Bố” trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những câu chuyện truyền kỳ, khiến cho “chiến thần” Lã Bố vang danh thiên hạ.
Điển cố “Tam anh chiến Lã Bố” trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những câu chuyện truyền kỳ, khiến cho “chiến thần” Lã Bố vang danh thiên hạ. (Ảnh: neoseeker.com).
3. Trận chiến phấn son: Mỹ nhân vì nước diệt gian thần
Cuối thời Đông Hán vua Hán Hiến Đế, gian thần Đổng Trác chuyên quyền. Vốn bản tính tham tàn, có thêm “chiến thần” Lữ Bố giúp sức, Đổng Trác mặc sức gây ra không biết bao nhiêu chuyện thương thiên hại lý khiến lòng người oán than như: giết vua Thiếu Đế, giết Hà Hậu và Đường Phi, sát hại dã man bá quan văn võ, lạm sát thường dân vô tội…
Biết Lã Bố và Đổng Trác đều là phường háo sắc, quan Tư đồ liền nảy ý dùng mỹ nhân kế, trước tiên hứa gả Điêu Thuyền cho Lã Bố, sau lại dâng cho Đổng Trác. Cả hai cha con sẽ phối hợp với nhau bày mưu lập kế bên trong, khiến hai cha con nghi kỵ thù hằn tàn sát lẫn nhau. Quả nhiên, cả hai cha con Đổng Trác đều bị trúng kế, kết quả Đổng Trác đã chết dưới tay Lã Bố.
Đây thật là một trận chiến phi thường, không giáo gươm, không đổ một giọt máu mà vẫn thành công vang dội. Công lao và sự lợi hại của Điêu Thuyền khiến cho người đời sau không khỏi thán phục. Như Mao Tôn Cương trong Thánh Thán Ngoại Thư có viết: “18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Đổng Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lã Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm giáp khôi, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”.
Công lao và sự lợi hại của Điêu Thuyền khiến cho người đời sau không khỏi thán phục. (Ảnh: kenh14.vn).
4. Trận Trường Bản: Triệu Vân giữa trùng vây của chục vạn đại quân
Trong trận chiến gò Trường Bản, Triệu Vân phụ trách bảo vệ hai vị Cam Mi phu nhân và A Đẩu, nhưng bởi chiến trận hỗn loạn mà hai bên đã thất lạc nhau. Triệu Vân dẫn theo ba bốn mươi tên tùy tùng quay trở lại tìm kiếm, tìm khắp một vòng mà không thấy, lại giết chết Thuần Vu Đạo cứu Mi Trúc và Cam phu nhân. Triệu Vân đưa hai người đến cầu Trường Bản, suýt chút nữa bị Trương Phi hiểu lầm chàng đã phản bội Lưu Bị, may được Giản Ung giải thích làm sáng tỏ sự thật.
Triệu Vân sau khi giao phó Cam phu nhân cho Trương Phi, lại quay trở lại tìm kiếm A Đẩu. Nhưng lúc này chỉ có chàng một thân một mình, không có một ai đi theo. Trong loạn quân, Triệu Vân lại đâm chết Hạ Hầu Ân và đoạt lấy thanh bảo kiếm “Thanh Công” mà y mang trên người. Về sau, bên cạnh một bức tường thấp đã tìm được Mi phu nhân và A Đẩu đang nằm trong lòng bà. Nhưng Mi phu nhân đã thân bị thương nặng đi đứng bất tiện, sau khi gửi gắm A Đẩu lại cho Triệu Vân, liền gieo mình xuống giếng khô tự vẫn.
Triệu Vân cõng A Đẩu trên người, may được Tào Tháo cảm mến tài năng, lệnh cho bộ hạ không được bắn tên, nhờ vậy Triệu Vân mới có thể an toàn cõng theo A Đẩu thoát khỏi trùng vây của mấy chục vạn đại quân.
5. Cuộc đối thoại ở Long Trung
Mùa đông năm 207 đến mùa xuân năm 208, khi đó Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã dưới sự kiến nghị của Từ Thứ. Đã ba lần đến Long Trung thỉnh mời Gia Cát Lượng, nhưng mãi đến lần thứ ba mới gặp mặt. Gia Cát Lượng phân tích hình thế thiên hạ cho Lưu Bị, đề xuất trước tiên đoạt lấy Kinh Châu làm nhà, kế mới lấy Ích Châu tạo thế chân vạc, rồi mới toan tính ý tưởng chiến lược thu phục Trung Nguyên.
Gia Cát Lượng ngay lúc mới đầu bước lên vũ đài chính trị, liền lấy phương thức “Long Trung đối” vẽ ra viễn cảnh chiến lược cho Lưu Bị. Bài viết nổi tiếng nghìn thu này, rất nhiều người có thể thuộc lòng như cháo, và có một giá trị điển hình trong tư tưởng chiến lược Trung Quốc thời xưa.