Đối với giáo viên, mức thưởng vài chục triệu đồng là điều quá xa lạ. Cũng có một số trường ở thành phố thưởng lớn, nhưng đa số đều thấp, có nơi tiền thưởng chỉ đủ ăn bát phở. Giáo viên nhận tiền thưởng tết không khỏi tủi thân. Cũng học hành tử tế, được đào tạo bài bản, làm công việc trồng người, nhưng sau một năm lao nhọc, cái được nhận quá bèo bọt so với những người làm việc ở các ngành khác.
Giáo viên ở thành phố ít nhiều còn có tiền thưởng, còn vùng nông thôn thưởng tết là từ chỉ được đọc trên báo. Nông thôn, miền núi dân nghèo, nhà giáo không có được thêm cắc bạc tiền thưởng nào, phải chống chọi cho qua những ngày Tết chỉ bằng đồng lương ít ỏi của mình. Tết đến phải mua sắm nhiều thứ, quần áo mới cho con, ít bánh trái, rượu, thịt trong nhà. Giáo viên vùng nông thôn không có tiền thưởng, cũng chỉ trông vào đàn gà, con lợn nuôi thêm để cải thiện đời sống.
Một ngành khác ở nông thôn cũng chịu thiệt thòi rất lớn so với thành thị, đó là ngành y. Ở thành phố, nhiều bệnh viện thưởng cho bác sĩ vài chục đến trăm triệu đồng, chưa kể quà cáp ơn nghĩa của bệnh nhân. Bác sĩ ở thành phố thường có thu nhập cao, phòng mạch tư nhân cũng là nguồn thu đáng kể, Tết đến lại được thưởng to. Còn y, bác sĩ ở vùng nông thôn chỉ sống nhờ vào đồng lương, dân nông thôn nghèo nên bác sĩ mở phòng mạch tư không thu nhập được nhiều. Thưởng tết cũng không có được như thành phố mà chỉ vài trăm ngàn đồng cho có cái gọi là thưởng.
Phát triển nông thôn không phải là hô khẩu hiệu mà phải thực hiện các công việc cụ thể. Xây dựng nông thôn mới ra sao nếu như hai lĩnh vực giáo dục và y tế tụt hậu quá xa so với thành thị. Đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế ở vùng nông thôn sống không nổi với đồng lương của mình thì chất lượng của giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp. Ngoài tiền lương, các chế độ đãi ngộ khác không có hoặc quá thấp khiến cho người ta phải bỏ nghề hoặc bỏ địa bàn tìm nơi sinh sống khác.
Những thông tin về thưởng tết không chỉ làm cho giới trí thức làm việc ở vùng nông thôn chạnh lòng, mà còn làm cho những trí thức trẻ phải suy nghĩ về tương lai của họ. Ra trường, đi về những vùng nông thôn, miền núi để cống hiến, nhưng cuộc sống sẽ ra sao khi chỉ vỏn vẹn với đồng lương khốn khó? Nếu như không có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ phù hợp, rút ngắn khoảng cách về đời sống giữa thành thị và nông thôn thì không thể xây dựng nông thôn mới được.
Chân Tâm