Theo thống kê từ Sở NNPTNT Bình Dương, hiện nay, toàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.754,7ha, tăng 78,5% so với năm 2015. Với mục tiêu tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản bình quân 2,5%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Đô thị nông nghiệp công nghệ cao
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau an toàn. Ảnh: Quốc Hải
"Khu vực đô thị của tỉnh Bình Dương có trên 500 hộ đầu tư chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình nông nghiệp đô thị… Các mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả tích cực, mang lại nguồn thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích đất mà còn giúp khai thác tốt nguồn lao động, đất đai khu vực đô thị”. Ông Nguyễn Văn Bông - |
Ông Nguyễn Văn Bông - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hình thành 4 khu nông nghiệp CNC với diện tích gần 1.000ha và hơn 860ha ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi... Nhờ các mô hình nông nghiệp mới này, diện mạo ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khởi sắc, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Ông Võ Văn Lượng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho hay, mặc dù trên địa bàn tỉnh, tỉ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần qua từng năm nhưng giá trị tuyệt đối lại ngày càng tăng nhờ việc ứng dụng CNC gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị hình thành, phát triển theo quy hoạch.
“Mới đây, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt báo cáo đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Theo đề án, từ nay đến năm 2020, nông nghiệp trên địa bàn phía Nam của tỉnh Bình Dương sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng CNC, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và khai thác tốt các nguồn lực sẵn có ở đô thị. Mục tiêu phấn đấu tới năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn vùng phía Nam của tỉnh Bình Dương đạt 3.783 tỷ đồng” - ông Lượng chia sẻ.
Cũng theo ông Lượng, thời gian qua, Bình Dương luôn ưu tiên chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp CNC gắn với công nghiệp chế biến. Nhờ đó, tuy trong cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay nông nghiệp chỉ chiếm 3,74% nhưng lại mang về giá trị kinh tế cao, đóng góp vào thành tựu chung của kinh tế - xã hội của địa phương.
Kết nối để xây dựng chuỗi cung ứng
Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng song vẫn chưa có hướng đi vững chắc trong việc liên kết chuỗi cung ứng nông sản và thị trường. Nguyên nhân được xác định, trước hết là do người sản xuất chưa thật sự chú trọng đến thị trường, bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản địa phương đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định.
Tại hội nghị kết nối cung - cầu mặt hàng nông sản, trái cây tỉnh Bình Dương năm 2018 mới đây, ông Hồ Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, kết nối vẫn là giải pháp then chốt để quảng bá và mở rộng thị trường cho nông sản. Vì vậy, kết nối cung cầu là giải pháp và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang thực hiện xuất khẩu nông sản có kinh nghiệm tìm kiếm và mở rộng thị trường…
Theo ông Nguyễn Văn Bông, ngành nông nghiệp Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất. Ví dụ như hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái có múi, chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản, phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến… Qua đó tạo điều kiện cho nông dân tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất.