Dân Việt

Tướng Lê Văn Cương: "Cấm" quay phim cán bộ tiếp dân là hợp lý

Bách Thuận 08/01/2019 16:11 GMT+7
Trao đổi với PV Dân Việt, thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, việc UBND TP.Hà Nội ban hành nội quy "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" là hoàn toàn hợp lý.

Sẽ từ chối tiếp với một số trường hợp

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố. Trong Quyết định số 12/QĐ-UBND - Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, có một nội dung thể hiện, công dân đến trụ sở này phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên bảo vệ... và "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".

Theo nội quy của UBND TP.Hà Nội trong việc tiếp công dân, đối với người tiếp công dân, nội quy ghi rõ, phải chấp hành những quy định của cơ quan, đơn vị chủ quản về trang phục, thẻ công chức.

Được quyền yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền; yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

img

Ngoài việc cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm... khi chưa được sự đồng ý, TP.Hà Nội sẽ từ chối tiếp với một số công dân nếu họ có những vấn đề không đảm bảo.

Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày...

Cũng theo nội quy này, họ tên, địa chỉ, bút tích và những thông tin cá nhân khác của người đến tố cáo yêu cầu giữ bí mật; yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Nội quy cũng quy định các trường hợp từ chối tiếp và lập biên bản yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật như sau: công dân trong tình trạng không làm chủ được hành vi của mình do dùng chất kích thích;

Người đã được cơ quan có thẩm quyền xác định mắc bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác dẫn tới mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; công dân khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách pháp luật, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo.

Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ tiếp công dân, người thi hành công vụ; có hành vi cản trở các hoạt động bình thường của trụ sở tiếp công dân, của người thi hành công vụ hoặc vi phạm nội quy tiếp công dân.

Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác nhằm gây rối, xuyên tạc, nói xấu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đúng thẩm quyền

Liên quan đến quy định "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" đang gây nhiều tranh cãi, trao đổi với PV Dân Việt, thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho biết, việc UBND TP.Hà Nội ban hành nội quy như vậy hoàn toàn hợp lý. “Riêng việc cấm quay phim, chụp ảnh ở công sở, về mặt nguyên tắc là quyền của Nhà nước.

img

Tướng Cương bày tỏ, nội quy của TP.Hà Nội trong tiếp công dân là đúng thẩm quyền.

Những cơ sở an ninh quốc phòng là đã dứt khoát. Việc tiếp công dân ở trong công sở, có trụ sở rõ ràng, có biển tiếp dân, có bàn, có ghế, có cán bộ công quyền tiếp dân, việc cấm quay là phù hợp với chức năng nhiệm vụ” – thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Theo tướng Cương, trong công sở thì những việc đó do Nhà nước quy định, quyền hạn của từng đơn vị. Việc cấm quay phim chụp ảnh khi chưa được sự đồng ý của những người liên quan nhằm phòng tránh những thông tin sai lệch, không chính xác bị lan tỏa với mục đích xấu.

“Trong mỗi người tốt thì cũng có những người không tốt, việc cấm vậy là tránh những việc đó” – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, theo thiếu tướng Lê Văn Cương, phải có sự chấp hành, thực hiện nghiêm chỉnh từ cả 2 phía giữa người dân và cơ quan công quyền, mọi tình huống sẽ đều được xử lý, giải quyết hiệu quả, dứt điểm.

Để làm được điều này, hoạt động của cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch; về phía người dân phải thực hiện Hiến pháp nghiêm chỉnh. Bởi, trong tiếp dân, cũng có trường hợp cán bộ tiếp dân chưa đúng mực khiến người dân chưa đồng tình, cảm thấy chưa được giải quyết thỏa đáng.

“Với tư cách là công bộc của dân, các cán bộ tiếp dân cần phải từ tốn, làm đúng chức năng nhiệm vụ, ôn hòa. Như vậy người dân có quay cả nghìn lần cũng không có việc gì xảy ra, vì tất cả đều tuân thủ pháp luật. Thái độ của người dân đến cơ quan công quyền là phải đúng mức.

Với những nội dung trình bày của mình phải trình bày rõ ràng, bình tĩnh để cho cán bộ tiếp dân nắm bắt, ghi nhận. Với cơ quan công quyền, người tiếp dân phải đúng luật, ăn mặc chỉnh tề, nói năng chuẩn mực, không quát nạt…  

Cả phía cơ quan công quyền cũng đường hoàng chững chạc, đúng luật; người dân đúng luật thì không có chuyện gì xảy ra phức tạp” – vị thiếu tướng công an nêu quan điểm.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP.Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình.

Người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận.

Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân.

Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch. Việc làm này nhằm tránh những thông tin sai lệch, không chính xác bị phát tán với mục đích khác.