"Tây Du Ký 1986" là huyền thoại của truyền hình Trung Quốc
Tây Du Ký phiên bản 1986 của cố đạo diễn Dương Khiết được miêu tả là “huyền thoại phim truyền hình” của Trung Quốc khi gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ từ 7x, 8x đến 9x.
Trên dưới 3.000 lần phát sóng kể từ khi ra mắt lần đầu tiên năm 1986, đạt rating kỷ lục lên tới 89,4% và trở thành “cơn sốt” khắp châu Á là những số liệu biết nói chứng minh về sự thành công vượt thời gian của bộ phim được xếp vào hàng kinh điển này.
Đạo diễn Dương Khiết được coi là linh hồn của "Tây Du Ký 1986"
Thế nhưng, cố đạo diễn Dương Khiết – người được coi là “linh hồn” của bộ phim huyền thoại này lại coi đây “là nỗi đau, là nuối tiếc lớn nhất trong đời”.
Trong một chương trình truyền hình năm 2011, Dương Khiết nói: “Tôi không thấy vẻ vang về Tây Du Ký. 10 năm sau khi phát sóng lần đầu, tôi không xem nó. Bật tivi lên thấy Tây Du Ký là tôi tắt”.
Vậy đâu là lý do khiến Dương Khiết cảm thấy đau đớn và nuối tiếc về “đứa con tinh thần” của mình đến như thế?
Đau đầu xử lý mâu thuẫn với cả cấp trên và cấp dưới
Đạo diễn Dương Khiết gặp nhiều áp lực khi thực hiện bộ phim
Hành trình tạo nên huyền thoại Tây Du Ký bắt đầu năm 1981, khi Dương Khiết được lãnh đạo cấp cao Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc hỏi rằng: “Dương Khiết, nếu để cô quay “Tây Du Ký”, cô có dám nhận không?”
Hồi đó, Nhật Bản cũng đã từng làm Tây Du Ký và lãnh đạo đài chỉ yêu cầu Dương Khiết làm hay hơn Nhật Bản là được. Nhưng Dương Khiết đã dõng dạc tuyên bố, bà có thể làm tốt hơn thế nhiều lần và sau đó là nhiều năm ròng rã để cho ra được một tác phẩm đi cùng năm tháng.
Tuy nhiên, chặng đường để tạo nên một kiệt tác hoàn toàn không dễ dàng. Vì sự cá tính và mạnh mẽ, đạo diễn Dương Khiết nhiều lần mâu thuẫn với chủ nhiệm sản xuất. Vì yêu cầu cao về nội dung và nghệ thuật, bà không muốn tiết kiệm tiền quá mức làm ảnh hưởng đến chất lượng bộ phim. Trong khi đó, chủ nhiệm sản xuất lại chủ trương tiết kiệm triệt để.
Trong một cảnh cháy chùa, đạo diễn Dương muốn đốt cháy cả mô hình chùa lớn còn chủ nhiệm chỉ muốn đốt mô hình bằng giấy. Sau nhiều tranh cãi, thuyết phục một cách quyết liệt, cuối cùng Dương Khiết bảo vệ được ý tưởng của mình.
Đạo diễn Dương Khiết trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên phim trường
Là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất cho toàn bộ quá trình làm phim, đạo diễn Dương Khiết phải chịu áp lực vô cùng lớn.
Bà phải xử lý hàng loạt công việc từ lớn đến nhỏ như: tìm diễn viên, chọn nhạc phim, xin kinh phí… Việc dàn xếp mối quan hệ hài hòa giữa hàng trăm con người trong quá trình quay phim cũng là nỗi lo lớn của bà.
“Tôi không biết nói thế nào nhưng đã xảy ra những việc không vui trong quá trình làm phim”, cố đạo diễn từng tiết lộ.
Cố đạo diễn được cho là quá nghiêm khắc trong quá trình làm việc
Đạo diễn Dương Khiết khi đó được cho là đã quá nghiêm khắc với các nhân viên và cả các diễn viên trong đoàn phim. Thậm chí, có những người không chịu nổi cá tính của nữ đạo diễn nên đã bỏ đoàn. Chính bản thân Dương Khiết cũng từng tiết lộ về nỗi buồn khi bị chính các nhân viên trong đoàn cô lập.
Dương Khiết sau đó giải thích rằng, thời gian làm phim, công việc quá nhiều khiến bà không có thời gian ngẫm nghĩ, nhìn nhận lại sự việc. Bà cho rằng, có thể mình đã đắc tội với nhiều người vì có những phê bình, đánh giá quá nghiêm khắc.
Tuy nhiên, cũng nhiều người cảm thông với bà bởi số lượng người trong đoàn phim quá lớn, nếu không nghiêm khắc, sẽ chẳng thể nào quản lý nổi từng đó con người.
Bị hàm oan vì mang tiếng “Đoàn làm phim Tây Du Ký lợi dụng quay phim để đi ngao du khắp nơi”
Đạo diễn Dương Khiết và đoàn phim bị đồn thổi lợi dụng quay phim để đi du lịch
Không chỉ bị nghi ngờ về khả năng thành công của phim, đoàn làm phim Tây Du Ký và bản thân đạo diễn Dương Khiết còn từng bị nghi ngờ lợi dụng việc quay phim để đi ngao du khắp nơi.
Để quay được trọn vẹn 25 tập phim trong suốt 6 năm ròng rã, đoàn làm phim đã phải di chuyển khắp 30 tỉnh thành trên cả nước. Đối với những người trong đoàn, đây là nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi khi đó phương tiện di chuyển, điều kiện vật chất đều vô cùng thiếu thốn.
Đoàn làm phim thực tế đã phải đến những nơi xa xôi hẻo lánh để ghi hình
Nhà quay phim Vương Sùng Thu đồng thời cũng là chồng của Dương Khiết kể lại: “Để quay Tây Du Ký, đoàn đã đi khắp mọi miền non nước của tổ quốc. Du lịch lúc đó đâu có như bây giờ, có nơi còn không có nhà nghỉ.
Lúc đến núi Thanh Thành, chúng tôi ở một nơi xứng đáng gọi là khu ổ chuột. Chuột ở đó nhiều lắm, mỗi ngày mọi người đều phải nghe tiếng chuột rục rịch…".
Tuy nhiên, những người không cảm thông lại cho rằng, đây là một sự vụ lợi. Từng có người nói với lãnh đạo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng: “Đoàn phim Tây du ký lợi dụng cơ hội đi ngao du hưởng thụ khắp nơi”.
Nuối tiếc vì không đủ kinh phí để làm phim tốt hơn
Đạo diễn Dương Khiết nuối tiếc vì kỹ xảo của Tây Du Ký quá nghèo nàn, lạc hậu
Dương Khiết được cho là sinh ra để làm Tây Du Ký. Tuy nhiên, bộ phim dù thành công ngoài mong đợi cũng vẫn là nuối tiếc lớn nhất trong cuộc đời bà. Kỹ xảo thô sơ, nhiều cảnh quay không được như ý vì thiếu kinh phí là điều mà đạo diễn Dương nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
25 tập phim Tây Du Ký được quay ròng rã 6 năm trời từ năm 1982 đến năm 1988. Năm 1986, 11 tập đầu tiên được phát sóng với kinh phí lên tới 3 triệu NDT (khoảng hơn 10 tỷ đồng) – một con số khổng lồ lúc bấy giờ.
Sau đó, để có tiền quay nốt 14 tập phim còn lại, đạo diễn Dương đã phải chạy vạy khắp nơi để xin kinh phí, tuy nhiên, cũng chỉ xin thêm được 3 triệu NDT để hoàn thành 25 tập phim mà vốn trước đó dự định là 30 tập.
Các cảnh quay được thực hiện một cách vô cùng thô sô, đôi khi là nguy hiểm với diễn viên
Kinh phí ít ỏi khiến nhân viên và diễn viên trong đoàn chịu nhiều thiệt thòi. Kỹ xảo và các cảnh quay cũng không được như mong đợi. Đạo diễn Dương Khiết từng nói, nếu có đủ kinh phí, bà hoàn toàn có thể tạo nên một Tây Du Ký đẹp hơn, đáng xem hơn.
“Tây Du Ký 1986 không phải dự án hoàn hảo. Khoa học kỹ thuật phục vụ kỹ xảo làm phim thời đó còn quá kém, đây là điều tiếc nuối với cả ê-kíp. Đơn giản như cảnh Tôn Ngộ Không bay, khán giả vẫn có thể nhận ra dây dù kéo phía sau. Hoặc như một cảnh khác, đá nổ nhưng thấy bọt, rất không hợp lý”, Lục Tiểu Linh Đồng từng thừa nhận về kỹ xảo thô sơ của đoàn phim năm đó.
Thậm chí, những cảnh quay còn thiếu hoàn hảo đến nỗi đạo diễn Dương Khiết không dám xem lại chính tác phẩm mà mình đã dồn toàn bộ tâm huyết để thực hiện bởi mỗi lần xem lại là một lần bà cảm thấy tiếc nuối vì không thể làm tốt hơn.
Đạo diễn Dương Khiết chia sẻ trong một chương trình truyền hình
Tuy nhiên, dù là nỗi đau, là niềm tiếc nuối lớn nhất trong đời nhưng Tây Du Ký vẫn là tâm huyết suốt cuộc đời bà. Năm 2004, Dương Khiết đã tổng kết lại cả quá trình làm phim đầy gian khổ, thiếu thốn nhưng cũng không ít kỷ niệm đẹp trong một chương trình truyền hình:
“Những thứ trôi đi rồi sẽ trở thành kỷ niệm thân thương. Chúng ta hãy giữ những tháng ngày ấy trong tâm hồn, coi đó là những kỷ niệm thân thương nhất. Bởi đó là mối duyên trong cuộc đời”.
Dòng chia sẻ xúc động của “Hầu ca“ gợi rất nhiều hồi ức trong lòng người hâm mộ, mọi người đều rất cảm kích trước...