Dân Việt

Góc khuất tủi hổ của mỹ nhân Trung hoa khi Hoàng đế qua đời

Diệu Ly 10/01/2019 12:33 GMT+7
Cổ nhân có câu "mẫu bằng tử quý" (mẹ vinh hiển nhờ con) quả thật rất đúng trong gia tộc đế vương, với những vị phi tử sinh được con trai. Nếu may mắn có quý tử được lên làm Hoàng đế, người mẹ ấy còn được sắc phong Thái hậu, không thì có thể cùng con trai ra ngoài phủ mà sống hết phần đời còn lại.

Người ta vẫn nói, chốn hậu cung đầy những hình ảnh mỹ lệ nhưng cũng là chốn đấu đá thanh trừng vô cùng khốc liệt. Giữa chốn hậu cung cả trăm ngàn mỹ nhân, được lọt vào mắt xanh của Hoàng đế đâu phải chuyện đơn giản gì.

Thế nhưng để có cơ hội được đổi đời, người ta vẫn sẽ dám chấp nhận đánh đổi tất cả để có thể bước tới gác tía lầu son, sống trong nhung lụa. Chỉ cần được Hoàng đế để ý tới, tước vị hay thậm chí là ngôi mẫu nghi thiên hạ đều có thể đến trong một tích tắc.

Song cũng chính vì lẽ đó mà rất nhiều người thắc mắc, vậy sau khi Hoàng đế băng hà, số phận của những mỹ nhân xưa sẽ ra sao? Họ sẽ tiếp tục với cuộc sống nhung lụa cùng Hoàng đế mới hay thân phận trôi dạt về đâu? Thực tế thì họ, những sắc nước hương trời không phải ai cũng có được phần đời còn lại trong an nhàn hưởng phú quý.

"Mẫu bằng tử quý", mẹ vinh hiển nhờ con

Cùng con trai đi đến vùng đất được phong là điều nhiều phi tần vẫn ao ước sau khi Hoàng đế qua đời, song không phải ai cũng may mắn được như vậy. Đặc ân này chỉ dành cho những phi tần sinh được con trai cho Hoàng đế, được Hoàng đế phong vương và cấp đất cho ra ngoài lập vương phủ riêng.

Cổ nhân có câu "mẫu bằng tử quý" (mẹ vinh hiển nhờ con) quả thật rất đúng trong gia tộc đế vương, với những vị phi tử sinh được con trai. Nếu may mắn có quý tử được lên làm Hoàng đế, người mẹ ấy còn được sắc phong Thái hậu, không thì cũng có thể cùng con trai ra ngoài phủ mà sống hết phần đời còn lại có kẻ hầu người hạ.

Thế nhưng, đó là điều không phải phi tần nào cũng có cơ hội được lựa chọn. Họ phải bước những ngã rẽ khác ai oán, tủi hổ hơn nhiều.

Thành vợ của con chồng

Đây chính là ngã rẽ đau thương nhất cho những phi tần sau khi Hoàng đế băng hà. Họ là những mỹ nhân từng được tiên đế sủng ái nay lại thành phi tần phục vụ cho Hoàng đế mới. Việc "cha con chung vợ" này từng nhiều lần bị lên án trong triều đình phong kiến Trung Quốc vì trái với luân thường đạo lý.

Trong lịch sử Trung Hoa, rất nhiều trường hợp Hoàng đế mới khi lên ngôi liền thu nhận một vài mỹ nhân trong hậu cung của chính cha mình. Giai thoại nổi tiếng về việc con trai lấy mẹ kế phải kể đến câu chuyện của Tùy Dương Đế Dương Quảng và mẫu phi Tuyên Hoa phu nhân, hay chuyện tình lưu danh của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên - nữ Hoàng đế duy nhất của Trung Quốc.

Nhiều người cảm thấy rất tủi nhục khi hôm trước còn là phi tần của cha, hôm sau đã thành phi tần của con song đây lại là cơ hội đổi đời của không ít mỹ nhân chưa từng may mắn được tiên đế biết mặt.

Xuất gia làm ni cô

img

Ảnh minh họa.

Thời nhà Đường, Phật giáo rất phát triển. Rất nhiều quý tộc, quan lại cũng như vua chúa thời bấy giờ đều sùng đạo Phật.

Khi đó, sau khi Hoàng đế băng hà, các cung tần mỹ nữ có địa vị thấp, chưa sinh được con cho tiên đế sẽ được an bài tới các ngôi chùa của hoàng gia để xuống tóc đi tu. Điều này được cho là cầu phúc cho tiên đế ở thế giới bên kia, cũng có người cho rằng điều này nhằm khiến họ không thể tái giá hay làm những chuyện ảnh hưởng đến danh tiếng của hoàng gia.

Theo ghi chép, chính Võ Tắc Thiên khi còn là phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã phải lên chùa xuống tóc đi tu sau khi hoàng đế băng hà. Sau này nhờ mối nhân duyên với Lý Trị, mà bà mới trở thành một trong những người đàn bà quyền lực nhất lịch sử Trung Hoa.

Tuẫn táng theo Hoàng đế

Đây là điều xảy đến với những phi tần có địa vị thấp, không sinh được con cho Hoàng đế hay những phi tần chưa một lần được Hoàng đế sủng hạnh. Một số quan niệm cho rằng, nếu chết theo Hoàng đế thì sang thế giới bên kia họ có thể được tiếp tục hầu hạ ngài.

Phương thức tuẫn táng chủ yếu là tự treo cổ, tuyệt thực. Phải đến thời đại của Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn, hủ tục tàn nhẫn ấy mới chính thức được chấm dứt. Nhưng số phận của họ không hẳn được an nhàn, chỉ là đỡ tàn nhẫn hơn, đó là phải trông coi lăng mộ của hoàng đế đến cuối đời.