“Bạn có biết anh Nịnh Văn Trắng ở Ba Chẽ không? Từ một người nông dân dân tộc thiểu số chưa thạo tiếng Kinh ở một xã khó khăn, giờ đây Trắng trở thành ông chủ doanh nghiệp cung cấp trà hoa vàng không chỉ cho huyện, cho tỉnh mà đã vươn ra các thị trường lớn trên cả nước. Túi lúc nào cũng “xúng xính” tiền" - ông Long nói.
Ông Vũ Thành Long.
Đó chỉ là một trong số hàng trăm nông dân Quảng Ninh trở thành tỷ phú, nhờ lấy “cảm hứng” từ OCOP. Tại sao tôi lại dùng từ “cảm hứng”, bởi thực sự chương trình OCOP, kể từ khi bắt đầu triển khai từ năm 2013, đã ngày càng lan tỏa và có sức hút đối với nông dân Quảng Ninh, từ đó tạo nguồn cảm hứng để nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ chính những mảnh vườn, nương rẫy và những cây, con gắn bó bao năm xung quanh họ" - ông Vũ Thành Long khẳng định.
- Là người đồng hành cùng chương trình trong suốt chặng đường 5 năm qua, ông có thể chia sẻ đôi điều về thành công của OCOP Quảng Ninh hôm nay?
Trước hết, tôi phải nói lời cảm ơn tới PGS-TS Trần Văn Ơn, người đã hết sức kiên trì, lao tâm khổ tứ cùng chúng tôi gắn bó với chương trình OCOP.
Quảng Ninh triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm gọi tắt là OCOP (one commune one product), trên cơ sở nghiên cứu học tập kinh nghiệm phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian hàng tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn.
Các tổ chức kinh tế phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn: Năm 2014 có 40 tổ chức kinh tế tham gia, đến nay đã có 130 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia (36 doanh nghiệp, 49 hợp tác xã và 45 hộ sản xuất). Với tổng vốn pháp định đăng ký hơn 400 tỷ đồng, tổng số lao động trên 3.500 người; phần lớn các mô hình kinh tế này đều có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.
Sản phẩm OCOP được hoàn thiện nâng cấp, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, góp phần phục vụ phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh: Năm 2014 có 60 sản phẩm, đến nay đã có 322 sản phẩm. Về doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP năm 2018 ước đạt gần 800 tỷ đồng.
Đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh, góp phần giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
- Tại Hội nghị Đối tác OCOP tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào ngày 25.12 vừa qua, điều dễ nhận thấy là đã có rất nhiều tỉnh thành muốn thực sự học hỏi kinh nghiệm của tỉnh; nhiều đơn vị đang có nhu cầu tìm kiếm các đối tác để hợp tác phát triển. Từ Hội nghị này, bước tiến mới của OCOP Quảng Ninh sẽ đi theo hướng nào, thưa ông?
Năm 2019, chúng tôi xây dựng chủ đề công tác là “Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP”. Song hành với đa dạng hóa các sản phẩm OCOP, chúng tôi thực hiện đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Nông dân Vân Đồn sản xuất cam Vạn Yên, một sản phẩm OCOP của Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.
Rà soát hoàn thiện lại các cơ chế chính sách tạo môi trường và khuyến khích phát triển sản phẩm. Thực hiện tốt các khâu thẩm định ban đầu; tư vấn hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm theo chu trình. Tập trung mạnh cho việc phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực gắn với chuỗi giá trị và vùng quy hoạch tập trung. Lập kế hoạch tư vấn phát triển ít nhất 10 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX) tham gia Chương trình OCOP 2019, trong đó chú trọng tư vấn hướng dẫn nâng cao chất lượng sản xuất, quản trị kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất.
Tăng cường quản lý nhãn OCOP theo Quy định số 90/QĐ-BCĐOCOP của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh, tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng nhãn hiệu OCOP - QN cho các tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Tiếp tục chỉ đạo dán tem điện tử truy suất nguồn gốc cho các sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Xây dựng và đưa phần mềm quản lý chương trình OCOP vào sử dụng.
Năm 2019 là năm “xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP”, trong kế hoạch năm nay, ngoài việc nâng cao chất lượng tổ chức 2 hội chợ lớn cấp tỉnh hằng năm, tỉnh chỉ đạo tổ chức ở mỗi địa phương cấp huyện ít nhất một hội chợ OCOP, bên cạnh đó các lễ hội lớn, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tỉnh sẽ bố trí các gian hàng OCOP để quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm. Năm nay, chúng tôi cũng rà soát hoàn thiện lại và mở rộng phát triển các trung tâm và cửa hàng OCOP hiện có như VinMax+, BigC, MM Mega Maket... để kích thích tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP được chế biến từ hải sản Quảng NInh luôn thu hút khách hàng. Ảnh: Nguyễn Quý.
- Nếu “đặt cược” vào lộ trình của OCOP Quảng Ninh đến năm 2020, ông có tin nông dân Quảng Ninh sẽ “hốt bạc”?
Thực tế 5 năm qua cho thấy, OCOP đã mang đến cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân Quảng Ninh một bộ mặt mới rạng rỡ hơn. Doanh thu từ sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng cao. Năm 2018, tổng doanh thu các sản phẩm tham gia OCOP đạt 359.041 triệu đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2017; Lợi nhuận đạt 39.668 triệu đồng tăng 10% so với cùng kỳ 2017. Tạo công ăn việc làm cho 3.532 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng.
Nếu nông dân Quảng Ninh tiếp tục tham gia OCOP và chọn hướng đi đúng cho mình, tôi tin đây không phải là canh bạc 5 ăn 5 thua, mà là sự lựa chọn chắc thắng.
- Một câu hỏi cuối, trong bếp ăn nhà ông thường có những sản phẩm OCOP nào?
Không chỉ trong bếp, mà ngay cả trong phòng khách nhà tôi cũng luôn có những sản phẩm OCOP. Đó là rượu mơ Yên Tử, ổi Sơn Dương, chè Đường Hoa, mật ong Hoàng Việt... Dưới bếp, một sản phẩm không thể thiếu là nước mắm Cái Rồng. Đó là loại nước chấm mà tôi ưng nhất.
- Xin cảm ơn ông!