Dân Việt

Trẻ em Hồng Kông bị trầm cảm do nguyên nhân nhiều cha mẹ Việt cũng mắc phải

Hạnh Nguyễn (Theo Scmp) 11/01/2019 00:55 GMT+7
Áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ có thể gây ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý cho con.

Theo kết luận của một nghiên cứu mới tại Hồng Kông, phụ huynh của những đứa trẻ có năng khiếu không nên đặt nặng áp lực về thành tích cho con.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Học viện Giáo dục Năng khiếu Hồng Kông cho biết, những đứa trẻ thông minh thường dễ bị kích động hoặc gặp vấn đề về cảm xúc khi phải đối mặt với những kỳ vọng của bố mẹ.

img

Trẻ có thể gặp vấn đề tâm lý, thậm chí bị trầm cảm nếu cha mẹ đặt nặng kỳ vọng vào con.

Những kỳ vọng đó khiến bọn trẻ luôn đòi hỏi sự hoàn hảo ở bản thân (mà trên thực tế không có ai hoàn hảo) và cảm thấy nhàm chán với việc học ở trường khi phải chạy đua thành tích mỗi ngày.

Học viện Giáo dục Năng khiếu Hồng Kông là một tổ chức được chính phủ trợ cấp, có nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh tài năng từ 10 đến 18 tuổi và hiện có khoảng 10.000 học sinh theo học, ông Wong Chung-po - người đứng đầu bộ phận phát triển chương trình đào tạo cho biết.

Khoảng 801 học sinh Tiểu học từ lớp 4 đến lớp 6 đã tham gia vào cuộc khảo sát đầu năm 2017 phục vụ cho nghiên cứu trên. Kết quả cho thấy, ngay cả những học sinh đạt thành tích cao cũng có thể đang phải chịu đựng những áp lực đến từ kỳ vọng quá lớn của cha mẹ.

Tiến sĩ Eric Fung Tze-ho, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của học viện cho biết, khoảng 66% học sinh đối mặt với kỳ vọng cao từ phụ huynh có khả năng sẽ nảy sinh phản ứng tâm lý dữ dội như bị kích động chẳng hạn. Bố mẹ nên tìm một giải pháp để cân bằng và trò chuyện chân thành với trẻ về những mục tiêu của chúng, hướng dẫn chúng học cách lập mục tiêu thực tế và tương ứng với khả năng của mình.

Tiến sĩ Fung tiết lộ rằng kết quả nghiên cứu của học viện cũng tương tự với kết quả cuộc khảo sát được thực hiện bởi Đại học Trung Quốc với 872 học sinh cấp hai. Cả hai đều vạch ra mối tương quan trực tiếp giữa kỳ vọng của phụ huynh và chứng trầm cảm ở học sinh.

Yu Ho-wing, 27 tuổi, sinh viên hiện đang theo học tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Oxford chia sẻ rằng lúc anh còn học cấp hai, bố mẹ thường nhắc nhở anh “thêm dầu” vào trước mỗi kì thi. Cụm từ “thêm dầu” bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông và gần đây đã được thêm vào Từ điển tiếng Anh Oxford. Nó có nghĩa là hãy đạp chân ga để xe tăng tốc về phía trước và được sử dụng để thể hiện sự khuyến khích, kích động hoặc hỗ trợ.

 “Vì bản thân là một đứa trẻ có khả năng, tôi đã bỏ vào đó rất nhiều nỗ lực. Thế nhưng, tôi cảm thấy hụt hẫng vì từ “thêm dầu” đó dường như đang ngụ ý rằng mình đã không học tập chăm chỉ. Tôi cần ai đó lắng nghe hoặc chí ít là trao một cái ôm thay vì phủ nhận những nỗ lực của tôi như vậy” – Yu nói.

Trường hợp khác, Alice, người mẹ có một cô con gái 15 tuổi tâm sự rằng cô bé đã từng tỏ ra giận dữ khi được yêu cầu chỉnh đốn lại bản thân trước kì thi thay vì cắm cúi vào điện thoại hay đọc sách.

“Con bé luôn đứng thứ hai trong lớp nhưng chưa bao giờ leo lên nổi thứ nhất. Tôi nghĩ nếu con bé cố thêm một chút, nó có thể làm tốt hơn. Tôi không được học hành tử tế và không thể hướng dẫn giảng dạy cho con, nhưng tôi luôn mong con mình có thể trở nên thông minh hơn và có một tương lai tốt đẹp” – bà mẹ nói. Tuy nhiên, tâm lý của cô bé đã không còn thường xuyên bị kích động như trước khi Alice học cách lắng nghe con gái mình nhiều hơn.

Trẻ em càng thông minh, chúng càng nhạy cảm. Bởi vậy, cha mẹ nên tạo môi trường thoải mái để con có thể tự do phát triển, hạn chế nguy cơ trẻ gặp vấn đề về tâm lý do phụ huynh quá áp đặt và kỳ vọng.

8 bí quyết dạy con của gia đình ông chủ Facebook khiến cả thế giới ngưỡng mộ

Không chỉ là người điều hành công ty được cả thế giới biết đến, tỷ phú Mark Zuckerberg còn nổi tiếng là người...