Nông dân mất ăn, mất ngủ
Ngày 5.1.2019, UBND huyện Cần Đước (Long An) đã có Quyết định số 19/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Long Sơn (huyện Cần Đước). Theo đó, vùng có dịch là xã Long Sơn; vùng bị uy hiếp là xã Long Cang, Long Hòa, Tân Trạch và Phước Vân; vùng đệm là các xã còn lại trên địa bàn huyện. Bắt đầu bùng phát từ một hộ nuôi vịt trên địa bàn, chỉ sau vài ngày dịch đã lan ra nhiều hộ khác, đến nay, đã có gần 6.000 con gia cầm trên địa bàn huyện Cần Đước buộc phải tiêu hủy.
Đồng thời, huyện Cần Đước cũng đã ban hành kế hoạch chống dịch nhằm triển khai nhanh, đồng bộ các giải pháp chống dịch, không để dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng.
Lực lượng chức năng tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi ngăn dịch bệnh phát sinh. ảnh tư liệu
Theo kế hoạch này, các ngành chức năng, địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn. Trong đó tập trung cao độ tại vùng có dịch, vùng bị uy hiếm nhằm phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý, vận động các hộ chăn nuôi tiêu hủy ngay toàn bộ số gia cầm mắc bệnh trên địa bàn Long Sơn.
Các địa phương khác nếu phát hiện cần tiêu hủy những con gia cầm đã chết và nuôi cách ly số còn lại để chờ kết quả xét nghiệm, nếu kết quả dương tính thì tiêu hủy hoàn toàn. Tỉnh Long An hỗ trợ miễn phí vaccine tiêm phòng tại vùng dịch và vùng bị uy hiếp đối với các hộ chăn nuôi có quy mô tổng đàn từ 2.000 con trở xuống.
UBND huyện Cần Đước yêu cầu các ngành chức năng tổ chức tiêm phòng đạt tỉ lệ trên 90% đối với vùng dịch; vùng bị uy hiếp đạt trên 80% số gia cầm thuộc diện tiêm. Ngoài ra, các ngành chức năng phải phối hợp với địa phương tổ chức tiêu độc chuồng trại tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp…
UBND huyện Cần Đước cũng đã có quyết định thành lập 4 chốt kiểm soát động vật nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật ra vào vùng dịch xã Long Sơn. Mỗi chốt kiểm soát có 6 thành viên, trực 24/24, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị, cá nhân vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn xã hoặc quá cảnh ngang xã Long Sơn.
Tại Quảng Ninh, ổ dịch mang virus cúm A/H5N6 cũng đã xuất hiện tại gia đình ông Trần Văn Bình, thôn 8, xã Hải Tiến (TP.Móng Cái). Trước đó, đàn gà, vịt, ngan nhà ông Tiến xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. Qua kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng II, toàn bộ mẫu bệnh phẩm trên gia cầm của gia đình ông Bình đều dương tính với virut cúm A/H5N6.
Như vậy, tính tới thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm tại Móng Cái, Tiên Yên, Hải Hà và 3 ổ dịch lở mồm long móng ở Đông Triều. Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, lực lượng chức năng liên quan của tỉnh, huyện đã tiến hành xử lý tiêu hủy đàn gia súc, gia cầm, đồng thời khẩn trương bao vây ổ dịch, phun tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch theo đúng quy trình.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung khẩn trương xử lý các ổ dịch trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt các ổ dịch đảm bảo không để dịch lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tập trung thực hiện ngay công tác tuyên truyền đến tận thôn, khu dân cư, người dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cách phòng, chống. Sở NNPTNT cử cán bộ chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác phòng, chống, bao vây, khống chế, dập tắt các ổ dịch.
Chủ quan gây hậu quả nghiêm trọng
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng là do các hộ dân khi phát hiện gia
Ngành chức năng cũng thừa nhận, lực lượng thú y cơ sở quá mỏng, mức thù lao chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân khiến công tác giám sát dịch bệnh còn lơ là, chủ quan. |
súc, gia cầm chết đã không báo ngay với lực lượng thú y cơ sở mà tự xử lý, chạy chữa, thậm chí bán tống bán tháo ra ngoài; gia súc gia cầm chết không tiêu hủy đúng cách mà vứt bừa bãi ra ngoài môi trường.
Trong Công văn số 13/TY6-DT của Chi cục Thú y vùng VI gửi Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho thấy, dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra trên địa bàn huyện Cần Đước chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không sử dụng vaccine hoặc sử dụng nhưng không theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan thú y. Khi có gia cầm chết, các hộ tự xử lý (bán chạy, tự tiêu hủy hoặc vứt xác ra nơi công cộng…), không thông báo với chính quyền địa phương, làm mầm bệnh lây lan trên địa bàn xã Long Sơn và các xã xung quanh.
Chi cục Thú y vùng VI cũng thừa nhận công tác thống kê tổng đàn gia cầm tại các xã chưa thực hiện được do lực lượng thú y địa phương rất mỏng. Việc tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho gia cầm của các hộ chăn nuôi trên địa bàn còn thấp do người dân chưa quan tâm. Mặt khác, địa phương chỉ hỗ trợ tiêm phòng trên vịt đối với đàn dưới 2.000 con. Điều này cho thấy, nguy cơ lây lan rộng cúm gia cầm A/H5N1 là rất cao.
Cụ thể, đàn gia cầm của ông Điền Văn Kiều (xã Long Sơn) có dấu hiệu chết từ ngày cuối tháng 12.2018 nhưng chủ hộ không báo cáo mà tự mua thuốc về chữa, đến khi gà, vịt chết hàng loạt tự ý mang đi tiêu hủy mà không báo cơ quan chức năng khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan sang đàn gia cầm của 4 hộ khác gần đó.
Tương tự, tại Quảng Ninh, theo Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh, dịch cúm gia cầm H5N6 chủ yếu xảy ra ở những hộ chưa tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm theo quy định. Ngành chức năng cũng thừa nhận, lực lượng thú y cơ sở quá mỏng, mức thù lao chưa tương xứng là một trong những nguyên nhân khiến công tác giám sát dịch bệnh còn lơ là, chủ quan.
Dịch bệnh bùng phát mạnh trong thời gian gần đây sẽ là bài học đắt giá về sự chủ quan của cả người dân và lực lượng thú y cơ sở, muốn hướng đến ngành chăn nuôi bền vững, phải bắt đầu tuân thủ từ những quy định này, nếu không cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt đỏ.