Dân Việt

Ngành trồng trọt hướng đến mục tiêu 21 tỷ USD

Đình Thắng 11/01/2019 09:20 GMT+7
Năm 2019 ngành trồng trọt đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất lên 1,78%, nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích canh tác nhằm đưa giá trị xuất khẩu nông sản cán mốc 21 tỷ USD.

Sản xuất trồng trọt chuyển dịch mạnh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2018, giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 482.000 tỷ đồng, tăng  khoảng 2,52%, sản lượng lương thực có hạt đạt 48,8 triệu tấn, tăng 2,1%, giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 19,5 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2017.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sự thuận lợi của thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng cho những vụ mùa bội thu. Thời tiết những tháng đầu năm 2018 tương đối thuận lợi cho trồng trọt, miền Bắc mùa đông 2017 - 2018 khô hanh, thuận lợi cho nhãn, vải và một số cây ăn quả ra hoa, đậu quả, cho sản lượng cao. Miền Nam mùa mưa đến sớm, nguồn nước tương đối đầy đủ cho sản xuất lúa và cây trồng ngắn ngày trong vụ đông xuân nên năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao. Các cây công nghiệp, cây ăn quả sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đặc biệt là điều, cà phê, chè, cao su, vải, nhãn, cam, xoài...

img

 Cây ăn quả là nhóm cây trồng được hưởng lợi nhiều từ việc chuyển dịch sản xuất, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt 969,4 nghìn ha, tăng 48 nghìn ha so với năm 2017. ảnh tư liệu

Cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, năm 2018 lĩnh vực chế biến cũng đã có bước phát triển, một số nhà máy chế biến khánh thành, đi vào hoạt động. Xuất khẩu một số nông sản chính như gạo, rau quả và cà phê tăng trưởng tốt, giá thu mua các loại trái cây trong nước ổn định...

Đánh giá về kết quả sản xuất năm 2018, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản xuất trồng trọt đã có sự chuyển dịch mạnh, giảm diện tích một số cây trồng hàng năm hiệu quả thấp (lúa giảm 138.000ha, ngô giảm khoảng 60.000ha…) tăng diện tích một số cây trồng có thế mạnh như cây ăn quả tăng 48.000ha, rau tăng 23.000ha.

Đối với cây lúa, mặc dù diện tích giảm 138.000ha, tuy nhiên năng suất và sản lượng đều tăng, cụ thể, năng suất trung bình ước đạt 58,1 tạ/ha, tăng 2,6 tạ, sản lượng đạt 43,98 triệu tấn, tăng khoảng 1,22 triệu tấn so với năm 2017.

Năm 2018 xuất khẩu gạo ước đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% về giá trị và tăng 4,5% về lượng so với năm 2017, tỷ trọng gạo chất lượng cao xuất khẩu đạt khoảng 80%.

Cây ăn quả là nhóm cây trồng được hưởng lợi nhiều từ việc chuyển dịch sản xuất, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt 969.400ha, tăng 48.000ha so với năm 2017. Diện tích tăng chủ yếu tập trung ở nhóm cây có múi (cam, quýt, bưởi), xoài, thanh long, nhãn…

Tăng giá trị sản xuất

Để đạt được giá trị xuất khẩu nông sản 21 tỷ USD, ngành trồng trọt đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất trồng trọt  khoảng 1,78%, nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích canh tác, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Như Cường cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt; kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Tổ chức lại sản xuất của các hộ nông dân theo hướng quy mô lớn, tập trung và có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp, tạo thành chuỗi ngành hàng. Tổng kết các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mô hình tổ chức sản xuất mới, tổ chức khuyến cáo nhân rộng cho các địa phương khác.

Để đẩy mạnh sản xuất, một trong những nhiệm vụ của ngành trồng trọt là đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng có chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện bất thường của môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như tưới, bón phân tự động, nhà kính, nhà lưới. Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và sản xuất bền vững.