Dân Việt

Rùng mình mầm bệnh từ rác tàu hỏa

10/01/2012 15:13 GMT+7
(Dân Việt) - Làm một phép tính đơn giản, một toa tàu thường có 60 khách. Trung bình mỗi khách chỉ đi tiểu tiện 1 lần và đại tiện 1 lần/ngày thì mỗi ngày tàu hỏa đã xả ra môi trường hàng chục tấn chất thải.

Ngành đường sắt đang quản lý và khai thác hơn 1.300 toa tàu các loại, hàng ngày di chuyển liên tục trên toàn bộ gần 3.000km đường ray từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên, chất thải được xả thẳng xuống đang gây lo ngại gieo rắc dịch bệnh.

“Sạch mình, bẩn người”

Những ai đã một lần đi tàu hỏa chắc sẽ không mấy ấn tượng tốt đẹp về hệ thống vệ sinh của phương tiện này. Hầu hết nhà vệ sinh đều bẩn, bốc mùi xú uế. Trong một vài năm gần đây, tuy ngành đã áp dụng công nghệ Microphor nhằm thu gom và tự hoại chất thải trên tàu, nhưng không phải toa nào cũng có.

img
Việc xả thải trên đường tàu “thoải mái” ngay cả trong khu vực dân cư

Theo báo cáo của ngành thì năm 2010, toàn ngành đường sắt chỉ có hơn 10% số toa tàu được áp dụng công nghệ tiên tiến này. Như vậy là khoảng 1 nghìn toa tàu còn lại, kể cả loại tàu cao cấp (SE), việc thu gom, xử lý chất thải vẫn chưa được thực hiện.

Ông Mai Văn Nam, ở khu tập thể đường sắt, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội - từng gắn bó với công việc thiết kế tàu hỏa 30 năm thừa nhận: Việc xả chất thải của hành khách xuống đường ray là một trong những thực tế đáng buồn nhất của ngành đường sắt Việt Nam. Cho đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện là mấy.

Bà Nguyễn Thị Hằng, nhà ở đường Lê Duẩn, Hà Nội cho biết: “Tôi sống ở đây 20 năm, nhưng đến nay tình trạng xả thải trên đường ray vẫn còn. Chúng tôi sống ở đây thấy rất mất vệ sinh”. Đó là tình trạng chung, người dân sinh sống dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam đều rất bức xúc trước tình trạng xả thải bẩn của ngành đường sắt.

Làm một phép tính đơn giản, một toa tàu thường có 60 hành khách. Tính trung bình mỗi hành khách chỉ đi tiểu tiện 1 lần và đại tiện 1 lần trong ngày thì mỗi ngày tàu hỏa đã xả ra môi trường hàng chục tấn chất thải. Hàng ngàn toa tàu như vậy, số chất thải không xử lý nằm trên các đường ray là vô cùng lớn.

Lo phát tán dịch bệnh

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia dịch tễ lo ngại việc xả thải như vậy cũng là một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh tay chân miệng (TCM) phát tán ra diện rộng và diễn biến phức tạp.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm - Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư thì: “Nếu phân bị xả thải trực tiếp xuống đường ray thì nguy cơ ô nhiễm là rất lớn. Trong điều kiện nắng nóng virus có thể bị tiêu huỷ. Ngược lại, nếu trời mưa virus có thể tồn tại lâu hơn, theo nguồn nước chảy phát tán rộng hơn trong cộng đồng”.

Cần phải có thời gian xây dựng lộ trình cụ thể mới mong cải thiện được tình trạng này. Đến năm 2020, ngành phấn đấu 80% số toa tàu đóng mới có hệ thống vệ sinh tự hoại. Dự kiến tới 2025 sẽ hoàn thành việc xử lý chất thải trên tàu.

Thực tế, qua xét nghiệm Viện Pasteur Nha Trang đã phát hiện nhiều mầm bệnh TCM trong người khoẻ mạnh. Tiến sĩ Viên Quang Mai- Viện phó Viện Pasteur Nha Trang khẳng định: “Việc chậm trễ trong xử lý chất thải đường tàu Bắc- Nam không chỉ là tác nhân gây ra bệnh đường tiêu hoá, là nơi cư trú lây lan của virus mà rất có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất thường khiến cho dịch bệnh TCM lan rộng trong cả nước”.

Đứng về góc độ chuyên môn, ông Trần Thanh Dương - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Việc phóng uế từ tàu hỏa cần được xem như một nguyên nhân hàng đầu của việc lây lan dịch diện rộng. Ông Dương khẳng định: “Việc chất thải trên tàu bị xả trực tiếp xuống đường ray là một hành vi không đẹp, gây ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân làm lây truyền dịch bệnh, nhất là bệnh qua đường tiêu hóa và dịch bệnh TCM”.

Trước thực trạng đó, ông Trần Thanh Dương kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và ngành đường sắt cần xử lý ngay lượng chất thải theo đúng quy trình để tàu hỏa không trở thành “máy gieo mầm bệnh” cho người dân.