Dân Việt

Thắp sáng đảo ngọc Cô Tô

Người dân trên các xã đảo Cô Tô vui mừng đón một điều vốn rất bình thường ở đất liền, nhưng là điều kỳ diệu ở đảo xa: Thời khắc dòng điện lưới quốc gia “chui lên” từ đáy biển, thắp sáng đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Đúng giờ lên đèn (18 giờ ngày 16.10), lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cùng nhấn nút phát lệnh đóng điện lưới quốc gia từ đất liền truyền qua hệ thống cáp ngầm dưới đáy biển, thắp sáng đảo ngọc Cô Tô đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30.10.1963 – 30.10.2013).

Ngày 16.10, tiếng trống hội rộn rã, băng rôn cờ đỏ phấp phới bay trên khắp các ngả đường huyện đảo Cô Tô. Dòng người nối đuôi nhau đổ về phía tượng đài Bác Hồ, ai cũng rạo rực nói cười. Người dân trên các xã đảo đang đón đợi một điều vốn rất bình thường ở đất liền, nhưng là điều kỳ diệu ở đảo xa: Thời khắc dòng điện lưới quốc gia “chui lên” từ đáy biển, thắp sáng đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Niềm vui vỡ òa đón “ngày lịch sử”

Dù sóng biển lớn nổi lên đúng vào ngày trọng đại khiến lễ đóng điện bắt buộc phải làm tại đất liền (không tổ chức được ở huyện đảo Cô Tô như dự kiến), nhưng dòng điện vẫn thắp sáng đảo Cô Tô ngay sau lệnh đóng điện. Niềm vui của người dân trên đảo vỡ òa sau nhiều ngày trông đợi: “Vui lắm! Không còn gì vui hơn - ông Nguyễn Văn Lộc (75 tuổi) ở khu 3 thị trấn Cô Tô thốt lên - thế hệ chúng tôi không nghĩ rằng sẽ được chứng kiến giờ phút này. Tôi rất mừng, vì cuối cùng điện lưới đã ra đến đảo. Tôi đã già, không còn hưởng thụ được lâu, nhưng đây là tương lai con cháu và người dân trên đảo. Từ nay cuộc sống của chúng tôi chắc chắn sẽ tốt lên rất nhiều”.

Lắp đặt đường dây cáp ngầm đưa điện ra đảo Cô Tô.
Lắp đặt đường dây cáp ngầm đưa điện ra đảo Cô Tô.

Lời của ông Lộc cũng là tiếng lòng của hơn 6.000 dân trên các xã đảo của Cô Tô. Vui và hồn nhiên nhất có lẽ là các em học sinh. Nguyễn Hải Yến, học sinh lớp 12A Trường THPT Cô Tô hào hứng: “Em thích lắm! Có điện, nhà trường sẽ giảng dạy và thực nghiệm các môn học công nghệ thông tin, giúp chúng em tiếp cận Internet, theo kịp các bạn đất liền…”.

Với mong ước thúc đẩy phát triển du lịch Cô Tô, anh Lê Xuân Thế - chủ nhà nghỉ Cô Tô Lodge bày tỏ: “Điện lưới là niềm mơ ước, mong mỏi đối với mỗi chúng tôi. Dùng điện từ máy phát chạy dầu diesel vào những tháng cao điểm, nhà nghỉ chúng tôi phải chi đến 40-50 triệu đồng. Nay đã có điện lưới, giá thành điện rẻ, chắc chắn giá phòng và các dịch vụ sẽ giảm. Chúng tôi có thể phục vụ khách tốt hơn nhiều, các dịch vụ du lịch cũng sẽ phát triển theo”.

Còn trung tá Đào Văn Tuyến - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng số 6 (Cô Tô) không kìm được cảm xúc: “Đây là một điều kỳ diệu! Đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất tiền tiêu thân yêu của Tổ quốc, những người lính như chúng tôi cảm thấy vô cùng vui mừng, vô cùng hạnh phúc! Từ đây, cuộc sống người dân quanh năm gắn với sóng gió, với biển đỡ vất vả. Những người chiến sĩ cũng có điều kiện cải thiện đời sống văn hoá. Điện lưới đến đảo cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi để chúng tôi thực hiện công tác chuyên môn, bảo vệ biển đảo tốt hơn, bảo vệ yên bình cho cuộc sống người dân”.

Công trình thế kỷ

Theo nhận định của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, đây là một “công trình thế kỷ” bởi quá trình thực hiện các gói thầu phải thi công bằng công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay trong thời gian rất ngắn. Để vượt qua các vách đá dựng đứng và những mép biển sâu hun hút ở các đảo đá và rừng bảo tồn (lên tới 41km với 116 vị trí cột), nhà thầu số 6 đã phải thực hiện gần 100% công việc dùng khinh khí cầu kéo dây cáp dẫn điện lên không trung, rồi thả xuống các vị trí cột. Việc kéo dây điện bằng khinh khí cầu đã từng được đơn vị áp dụng 2 lần trong đất liền, nhưng kéo dây trên biển với khoảng vượt lớn và áp lực gió mạnh thì là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Kinh phí trọn bộ để áp dụng công nghệ khinh khí cầu cho dự án lên tới hơn 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng) với toàn bộ hệ thống động cơ thuỷ lực do Đức sản xuất.

Dự án “đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô” có tổng vốn đầu tư 1.106 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn kêu gọi đóng góp của tỉnh Quảng Ninh hơn 821, 5 tỷ đồng, vốn của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc khoảng 277,4 tỷ đồng.


Để kết nối dòng điện giữa các đảo, các đơn vị thi công đã chôn cáp ngầm cách điện EPR và một tuyến cáp quang từ 24 - 48 sợi kèm theo dưới đáy biển để phục vụ khai thác viễn thông. Liên doanh nhà thầu Prysmia - Thái Dương thi công gói thầu số 8, chiếm 50% tổng giá trị toàn bộ dự án được đánh giá là khó khăn nhất với 4 tuyến gồm: Đoạn Cái Dài - Trà Ngọ, Bản Sen - Ba Mùn, Ba Mùn - Cô Tô, Cô Tô - Thanh Lân. Do bị ngăn cách bởi các đảo đá nên chiều dài các tuyến không đồng đều, đặc biệt 3/4 tuyến có chiều dài ngắn, chưa đầy 3km, độ sâu đáy biển có đoạn chỉ đến 10m.

Một khó khăn khác là 70% trên toàn tuyến có cấu tạo địa chất là đá gốc rắn chắc. Riêng đoạn gần đảo Cô Tô (dài khoảng 1km) còn có lớp đá dày khoảng 5m là vỏ phong hoá đá gốc, sét pha cát phong hoá dạng dẻo cứng, nên việc thi công mất rất nhiều thời gian và vô cùng phức tạp. Liên doanh nhà thầu Prysmia - Thái Dương đã phải quyết định dùng sà lan rải cáp kết hợp với các phương tiện khác như máy cắt đá để xẻ mương cáp (sâu 1,5m, rộng 0,3m, dài hàng chục km), máy hút bùn để hiệu chỉnh độ sâu rãnh chôn cáp. Để thực hiện việc này, nhà thầu đã huy động 17 chuyên gia đến từ Indonessia cùng hơn 20 cán bộ kỹ thuật và thợ lặn…

Sau gần 1 năm nỗ lực thi công khẩn trương, công trình thế kỷ với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.106 tỷ đồng đã cán đích.

Ghi nhận nỗ lực này, bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định tại lễ đóng điện, việc đưa thành công điện lưới ra huyện đảo Cô Tô đã thể hiện tình cảm cao quý, thiêng liêng mà Trung ương Đảng, Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh và nhân dân cả nước đã dành cho Cô Tô. “Sự kiện này làm thỏa lòng mong muốn của Bác Hồ cách đây hơn 52 năm khi Người ra thăm đảo. Đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát triển nhanh, hiệu quả bền vững vùng biển đảo Cô Tô, tiến tới xây dựng Cô Tô trở thành một vùng đảo có kinh tế năng động trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc” - bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại lễ đóng điện, ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, Quảng Ninh đã phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Công trình này không chỉ được đầu tư từ ngân sách, mà còn là công trình của ý chí, lòng tin và hội tụ các nguồn lực của các tầng lớp nhân dân Quảng Ninh, các bộ ngành và nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài.

Tất cả đã “chung tay thắp sáng vùng biển đảo Cô Tô”.

Tặng bảng vàng vinh danh 100 doanh nhân: Tối 17.10, tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh), Liên minh Hợp tác xã – Doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình Gala Doanh nhân và Lễ trao tặng bảng vàng lưu danh cho 100 doanh nhân Quảng Ninh 2013. Đây là một sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30.10.1963-30.10.2013) và Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10). Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng nhanh (289 doanh nghiệp năm 2000 lên 8.912 doanh nghiệp năm 2013), đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo, mạnh mẽ. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trở thành lực lượng chủ công, đóng góp tăng trưởng vào GDP, ngân sách của tỉnh, tạo việc làm cho trên 350.000 lao động...

Khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông: Sáng 17.10, tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, TP.Uông Bí (Quảng Ninh), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ gắn biển chào mừng 50 năm Ngày thành lập tỉnh tại công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc liền khối bằng đồng nhập khẩu từ Australia. Tượng đúc ngồi trên bệ được làm bằng bê tông cốt thép ốp đá điêu khắc cao hơn 3m, đài sen hơn 2m, thân tượng đồng cao 9,9m. Tượng có tổng trọng lượng 138 tấn. Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại non thiêng Yên Tử là dự án tâm linh trọng điểm do Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư với nguồn vốn xã hội hóa lên tới gần 80 tỷ đồng.

Hoàng Giang