Trước khi mùa giải 2018-2019 khởi tranh, nội bộ M.U đã lục đục thấy rõ, khi các cầu thủ tỏ ra coi thường ông thầy Mourinho. Tiền vệ Paul Pogba, với cái mác nhà vô địch thế giới cùng đội tuyển Pháp, đã làm mình, làm mẩy đòi chuyển sang Barcelona. Tiền đạo Anthony Martial thì vô kỷ luật, tự ý rời đại bản doanh của đội trong chuyến tập huấn tại Mỹ để về Pháp chăm sóc người yêu sinh con.
Với những động thái như vậy, nếu có đủ uy quyền, Mourinho đã phải trừng phạt những cầu thủ này. Nhưng lạ thay, “Người đặc biệt” lại đưa ra những phát biểu rất mềm mỏng. Ngay từ lúc ấy, giới truyền thông đã nhắc tới “hiệu ứng mùa thứ ba” của Mourinho.
Không kiểm soát được phòng thay đồ, Mourinho đã bị sa thải
Khi mùa giải bắt đầu, nội bộ M.U càng rối ren hơn. Mourinho mất khả năng kiểm soát phòng thay đồ, còn các cầu thủ coi thường ông thầy ra mặt. Rất nhiều “cừu đen” đã được nêu tên như Pogba, Martial, Sanchez, Lukaku…
Trên các phương tiện truyền thông, nhiều cựu danh thủ của M.U như Scholes, Ferdinand ra sức chỉ trích Mourinho với chiến thuật phòng ngự tẻ nhạt. Các CĐV thì liên tục hô hào ban lãnh đạo hãy sớm sa thải nhà cầm quân người Bồ Đào Nha.
Vào thời điểm M.U lún sâu trong khủng hoảng, điều phải đến đã đến. Mourinho bị sa thải trong… sự hân hoan của những người hâm mộ M.U sau khi “Quỷ đỏ” thua bẽ mặt 1-3 trước Liverpool vào ngày 16.12.2018.
5 trận cuối cùng Mourinho dẫn dắt M.U tại giải NH Anh trước khi bị sa thải Liverpool - M.U: 3-1 M.U - Fulham: 4-1 M.U - Arsenal: 2-2 Southampton - M.U: 2-2 M.U - Crystal Palace: 0-0 |
Nhiều ứng cử viên tiềm năng đã được nhắc tới như Zidane, Pochettino, Simeone hay Conte. Nhưng mùa giải chưa kết thúc và M.U cần một ai đó tạm ngồi vào ghế nóng. Và Ole Gunnar Solskjaer xuất hiện, với tư cách HLV tạm quyền.
Solskjaer xuất hiện và lập tức tạo ra sự khác biệt tại M.U
Thời còn là cầu thủ, Solskjaer từng có 11 năm chơi cho M.U. Với biệt danh “Sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ”, cựu tiền đạo này đã ghi nhiều bàn thắng cho M.U khi vào sân từ ghế dự bị. Nổi bật nhất trong số đó là pha lập công giúp M.U ngược dòng thần thánh, đánh bại Bayern Munich trong trận chung kết Champions League mùa giải 1998-1999.
“Solskjaer cầu thủ” thì rất giỏi, điều đó chẳng cần bàn cãi. Nhưng “Solskjaer huấn luyện viên” thì sẽ thế nào? Ngay cả giới chuyên môn cũng không dám chắc chắn chiến lược gia trẻ tuổi người Na Uy sẽ làm gì để đưa M.U thoát khỏi “vũng lầy Mourinho”.
Rồi thực tế sân cỏ đã đưa ra câu trả lời. Trận đầu tiên Solskjaer ra mắt, M.U thắng đậm Cardiff 5-1. Niềm tin và niềm vui bắt đầu quay trở lại, nhưng sự lo lắng vẫn chưa mất đi. Chẳng may Solskjaer chỉ ăn may trận đầu thì sao?
Tới trận thứ hai, M.U hạ Huddersfield 3-1 ở “thánh đường” Old Trafford, mọi thứ trở nên sáng sủa hơn nữa. Các cầu thủ M.U tỏ ra rất hứng khởi với lối chơi tấn công mà Solskjaer đề ra, còn CĐV thì hiển nhiên là “vui như Tết”.
Mạch thành công chưa dừng lại, M.U liên tiếp đánh bại Bournemouth, Newcastle tại giải ngoại hạng Anh, xen kẽ vào đó là trận thắng Reading tại FA Cup. Uy tín của Solskjaer được khẳng định rõ rệt hơn khi các cầu thủ khen ngợi ông không tiếc lời.
Những cầu thủ chơi kiểu "phá đám" thời Mourinho như Pogba ngay lập tức trở lại là chính mình
Nhưng vẫn còn một sự lăn tăn “không hề nhẹ”, bởi có ý kiến cho rằng, M.U toàn gặp đối thủ yếu nên Solskjaer mới gặp nhiều may mắn như vậy. M.U cần một thử thách thật khó để Solskjaer chứng tỏ tài cầm quân. Và thử thách mang tên Tottenham xuất hiện.
Làm khách tại Wembley, M.U của Solskjaer đã thi đấu cực hay, với nỗ lực của mọi vị trí trên sân. Rashford ghi bàn quyết định, David de Gea nổi bật với 11 pha cứu thua, M.U lại thắng.
Đó đã là trận thắng thứ 6 liên tiếp của M.U từ khi Solskjaer dẫn dắt “Quỷ đỏ”. 5 trong số đó là tại giải ngoại hạng Anh và Solskjaer đã cân bằng thành tích toàn thắng khi bắt đầu huấn luyện M.U của HLV huyền thoại Sir Matt Busby.
Đánh giá về chuỗi trận thành công của M.U, BLV Vũ Quang Huy cho biết: “Mourinho là một HLV giỏi và đã có nhiều người chờ đợi ông có thể tạo nên những nét đột phá ở M.U. Tuy nhiên, cuối cùng “Người đặc biệt” đã cho thấy ông quá cầu kỳ và không phù hợp với tinh thần hiệp sĩ của M.U.
Với M.U, tinh thần trong lối chơi truyền thống của họ là luôn kích thích đối thủ chơi hay hơn. Bản thân đội bóng sẽ cố gắng ghi nhiều bàn thắng hơn để giành chiến thắng”.
Phân tích kỹ hơn về sự khác biệt giữa Solskjaer với Mourinho, BLV Quang Huy nhấn mạnh: “Dưới thời Mourinho, có cảm giác các cầu thủ bị “xiềng xích” bởi cái tôi quá lớn của ông thầy người Bồ Đào Nha. Với Solskjaer – “trò cưng” của Sir Alex Ferguson một thời, mọi thứ đã được trả lại đúng quy ước.
Các cầu thủ ra sân và cảm thấy được tận hưởng trận đấu. Phải khẳng định là lãnh đạo M.U đã rất khôn ngoan khi lựa chọn thời điểm M.U chỉ phải gặp những đối thủ yếu, vừa vừa. Điều đó giúp Solskjaer có “điểm tựa” để vực dậy đội bóng, đưa tất cả trở về với lối chơi quen thuộc”.
Niềm vui chiến thắng đã xuất hiện thường xuyên trong 6 trận đấu đã qua của M.U
Đồng quan điểm, BLV Ngô Quang Tùng nhận định: “Dưới thời Mourinho, có cảm giác như các cầu thủ ra sân không thoải mái, chơi bóng không vì nhau và không vì HLV. Phải nói rằng cầu thủ M.U có chất lượng tốt nhưng những phẩm chất của họ đã bị cái tôi quá lớn của Mourinho lấn át.
Ole Gunnar Solskjaer đến và từng cá nhân ở M.U đều được cởi bỏ ức chế. Sức mạnh tập thể, sự gắn kết đã được phát huy, trả lại “màu sắc”, tinh thần quen thuộc của đội bóng, chơi cống hiến làm tất cả các CĐV đến sân vui vẻ. Nói cách khác, M.U đã có một luồng sinh khí mới”.
Theo BLV Quang Tùng, khả năng M.U lọt vào top 4 khi giải ngoại hạng Anh mùa này kết thúc là khá cao. “Có thể những đối thủ của M.U thời gian qua chỉ ở dạng vừa vừa, nhưng đó là tính toán khôn ngoan của lãnh đạo CLB. Thời điểm thay HLV là hợp lý và chuỗi trận thắng vừa qua của M.U dưới thời Solskjaer là thành công không thể phủ nhận.
Phía trước mùa giải còn dài và người hâm mộ đội bóng hoàn toàn có thể hy vọng vào việc lọt vào tốp 4. Nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng nhất của M.U ở mùa giải này không phải là thành tích. Điều HLV Solskjaer cần làm là giúp các cầu thủ và đội bóng chơi bóng một cách thoải mái nhất có thể, tạo dựng lại niềm vui cho toàn đội, cho các CĐV tới sân”.
Solskjaer còn rất nhiều việc phải làm, để M.U khôi phục vị thế một đội bóng lớn như triều đại của Sir Alex Ferguson. Nhưng điều ông làm tốt nhất lúc này là mang lối chơi tấn công đẹp mắt, hiệu quả trở lại sân Old Trafford.
Ban lãnh đạo M.U vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc gỡ bỏ cái mác “tạm quyền” để mời Solskjaer ký hợp đồng dài hạn hay không. Bản thân Solskjaer cũng không muốn đề cập đến vấn đề ấy.
Với CĐV M.U, giờ thì họ tôn sùng Solskjaer và tha thiết muốn ông ở lại đội bóng trong thời gian dài. Solskjaer như “đứa con trở về”, được coi là “người trong gia đình”. Cái cách Sir Ferguson đưa ra những lời động viên, chỉ bảo về nghề nghiệp cho Solskjaer đã chứng tỏ điều ấy.
Sẽ thật hoàn hảo nếu M.U ký hợp đồng dài hạn với Solskjaer
Sẽ thật hoàn hảo nếu M.U ký hợp đồng dài hạn với Solskjaer. Nhưng bây giờ, điều đó chưa quá quan trọng, khi mùa giải còn dài. Hãy cùng chờ đợi M.U của Solskjaer sẽ làm được những điều kỳ diệu gì, tạo ra những kỷ lục nào và mạch toàn thắng của họ kéo dài bao lâu.
Trước mắt, ngày 19.1 là vòng 23 ngoại hạng Anh, M.U gặp Brighton trên sân nhà. Nếu có thêm một chiến thắng nữa, Solskjaer sẽ trở thành HLV có khởi đầu xuất sắc nhất trong lịch sử M.U. Nhưng đó có lẽ vẫn chưa phải là giới hạn cuối cùng mà M.U dưới thời Solskjaer có thể đạt đến. Hãy cùng chờ xem!
6 trận toàn thắng của M.U dưới thời Ole Gunnar Solskjaer Tottenham - M.U: 0-1 M.U - Reading: 2-0 Newcastle - M.U: 0-2 M.U - Bournemouth: 4-1 M.U - Huddersfield: 3-1 Cardiff - M.U: 1-5 |