Dân Việt

Tổng Bí thư: Vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh được xử lý nghiêm

Lương Kết 14/01/2019 14:10 GMT+7
Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị của ngành Tòa án, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, năm 2016- 2018, các Tòa án đã xét xử đạt tỷ lệ 93,5% về số vụ, 93,6% số các bị cáo phạm tội tham nhũng, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước.

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN).

Sáng nay (14.1), tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của các Tòa án năm 2018 và từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020 đến nay; đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm công tác trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc những thành tựu nổi bật mà ngành Tòa án đã đạt được. Cụ thể: Thứ nhất, hệ thống Tòa án đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trung tâm hoạt động của hoạt động tư pháp; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Theo báo cáo các Tòa án đã xét xử gần 500 ngàn vụ, trong đó có hơn 80 ngàn vụ là án hình sự, đạt tỷ lệ gần 96%. Chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa liên tục giảm dần qua các năm.

Thứ hai, Tòa án các cấp đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần hiện thực hóa quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Trong 3 năm qua, nhất là năm 2018, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Tội phạm tham nhũng đang từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án lớn đã được  phát hiện và xử lý nghiêm minh. Riêng năm 2018 đã đưa ra xét xử các vụ án lớn như vụ: Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ…Từ năm 2016- 2018, các Tòa án đã xét xử đạt tỷ lệ 93,5% về số vụ, 93,6% số các bị cáo phạm tội tham nhũng, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước. Đây là điểm nhấn quan trọng rất đáng ghi nhận.

Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện vi  phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Qua xét xử, Hội đồng xét xử cũng đã chỉ ra nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm; kiên quyết khởi tố tại phiên tòa khi phát hiện tội phạm chưa được điều tra; kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến quản lý Nhà nước tạo kẽ hở cho vi phạm chính sách, để các cơ quan liên quan có biện pháp phòng ngừa...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế ngành Tòa án cần khắc phục trong thời gian tới. Trọng trách của các Tòa án là cần tập trung thực hiện khẩn trương hơn các yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ. Toàn ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó Tòa án đóng vai trò trung tâm là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, uy tín của Tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án phải làm sao để thực sự "tâm phục, khẩu phục," khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội.

Nhiệm vụ trọng tâm của các Tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan. Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lưu ý, ngành Tòa án cần chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chất lượng của nền tư pháp xét cho cùng là do cán bộ tư pháp quyết định, vì họ là những người trực tiếp "cầm cân nảy mực". Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là các thẩm phán thanh liêm, chính trực, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật phải là ưu tiên hàng đầu của các Tòa án. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia đã ban hành "Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán"; mỗi thẩm phán phải soi vào, lấy các chuẩn mực của Bộ Quy tắc này để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện. Đồng thời, thẩm phán cũng phải nêu gương như đảng viên lãnh đạo; đội ngũ thẩm phán tốt, đáng tin cậy phải được xây dựng trên nền đội ngũ đảng viên tiên phong, gương mẫu…