Dân Việt

Xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Ông Trương Quý Dương nói gì về cấp dưới?

V.P Tây Bắc 14/01/2019 17:32 GMT+7
"Bác sĩ Khiếu làm việc trong lĩnh vực Hồi sức, có đầu mối là các chuyên gia nên không có vấn đề gì. Bác sĩ Khiếu là Phó Giám đốc nhưng Ban Giám đốc phân công trực tiếp phụ trách 15 khoa phòng của bệnh viện, đồng thời kiêm nhiệm Trưởng khoa Hồi sức tích cực", bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình cho hay.

img

Ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình được triệu tập đến Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình sáng nay (14.1).

Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ chạy thận 9 người chết ở Hòa Bình, chiều 14.1, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục làm việc. Ngay đầu giờ chiều, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình về sự cố bệnh nhân chạy thận tử vong. Bị cáo Trương Quý Dương cho biết, sau khi xảy ra sự cố, ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực gọi điện thông báo về việc một số bệnh nhân chạy thận bị dị ứng. Bị cáo Khiếu cho hay, ngày 28.5.2017 có việc sửa chữa hệ thống máy lọc nước chạy thận RO vào ngày nghỉ.

"Bị cáo yêu cầu tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn, khi nào có diễn biến bất thường thì báo lại. Đến 11h30 ngày 29.5.2017, bác sĩ Khiếu nói đã có người tử vong. Tôi điện xin ý kiến lãnh đạo Sở Y tế, liên hệ Công an tỉnh, Bệnh viện thành phố để lọc thận, thải độc cho một số bệnh nhân đang cấp cứu, liên hệ bệnh viện tuyến Trung ương để chuyển bệnh nhân, kể cả trường hợp ngộ độc và trường hợp chạy thận chu kỳ”, bị cáo Dương khai.

Bị cáo Dương khai tiếp: "Ngay sau khi xảy ra sự cố có bệnh nhân tử vong, bị cáo chỉ đạo Phòng Kế toán gửi 10 triệu đồng cho gia đình nạn nhân để mai táng. Sáng hôm sau, bị cáo phân công lãnh đạo bệnh viện xuống mỗi gia đình nạn nhân gửi thêm 10 triệu đồng/gia đình".

Bị cáo Dương cho hay, chỉ nhận được thông tin bệnh nhân bị dị ứng và khi trao đổi với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) về thông tin hàng loạt bệnh nhân có triệu chứng như nhau, các chuyên gia mới đề cập đến khả năng dị ứng hóa chất hôm trước.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc trực tiếp xuống Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ đạo cấp cứu, bị cáo Dương trả lời: "Khi xuống khoa và xem lại hồ sơ chạy thận, tôi mới biết chạy thận được khoảng 15-20 phút thì xảy ra sự cố. Một số bệnh nhân tử vong, một số bệnh nhân đã chuyển đi".

Ông Dương thừa nhận, về lý thuyết thì chưa hoàn thành việc chỉ đạo trực tiếp cấp cứu. Tuy nhiên, một bệnh viện có gần 40 chuyên khoa, 700 cán bộ nên từng bác sĩ chuyên sâu trong lĩnh vực đã được phân công cụ thể, khi xảy ra vấn đề trong lĩnh vực nào, đầu mối có đầy đủ thông tin để liên hệ, trao đổi, xin ý kiến về chuyên môn.

"Bị cáo chỉ chuyên môn Ngoại, còn lĩnh vực Hồi sức bác sĩ khác có chuyên môn hơn để trao đổi. Quy chế của Bộ Y tế quy định rõ: Phó Giám đốc thay mặt Giám đốc trong lĩnh vực phụ trách. Bệnh viện cũng có Quyết định 262 về việc phân công các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn. Họ là đầu mối để làm lĩnh vực chuyên môn đó", ông Trương Quý Dương nói.

Trả lời HĐXX về câu hỏi: "Bị cáo Khiếu đã tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi gọi điện cho bị cáo có đúng không?", bị cáo Dương cho biết, chỉ nhận được thông tin về việc một số bệnh nhân bị dị ứng, sau đó, ông Khiếu có trao đổi với chuyên gia.

"Bác sĩ Khiếu làm việc trong lĩnh vực Hồi sức, có đầu mối là các chuyên gia nên không có vấn đề gì. Bác sĩ Khiếu là Phó Giám đốc nhưng Ban Giám đốc phân công trực tiếp phụ trách 15 khoa phòng của bệnh viện, đồng thời kiêm nhiệm Trưởng khoa Hồi sức tích cực.

Trong 10 năm, bác sĩ Khiếu hoàn thành rất xuất sắc nên được tôn vinh là Thầy thuốc ưu tú. Việc phân công bác sĩ Khiếu là thực hiện theo quy chế của bệnh viện. Không chỉ bác sĩ Khiếu, một số Phó Giám đốc khác cũng được phân công thêm một số công việc phù hợp với thực tế bệnh viện và không ai có ý kiến. Bệnh viện cũng báo cáo với cấp trên về việc phân công này.

Bệnh viện có quy chế rất chặt chẽ. Trong quy chế bệnh viện nêu rõ: Các Phó Giám đốc cần báo cáo định kỳ, nêu rõ những thay đổi, đề xuất với Ban lãnh đạo. Việc báo cáo trong công việc bằng nhiều hình thức. Đối với bệnh viện, ngoài làm việc bằng văn bản, giấy tờ thì các lãnh đạo trao đổi xin ý kiến trực tiếp rất quan trọng. Vì vậy, mỗi ngày bệnh viện đều có giao ban với các khoa, phòng và Ban Giám đốc", ông Dương nói tiếp.

Ngày 14.1, TAND TP.Hòa Bình mở phiên tòa xét sử sơ thẩm vụ án hình sự Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29.5.2017 khiến 9 người chết.

Ngay từ sáng sớm, những người liên quan trong vụ án đã có mặt. Hơn 7h, bị cáo Hoàng Công Lương có mặt để làm thủ tục. Bác sĩ Lương cho biết: "Dù còn mệt nhưng vẫn cố gắng ra tòa, trước đó tôi phải nhập viện điều trị".

Ngoài bác sĩ Hoàng Công Lương, 6 bị cáo khác có mặt gồm: Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh).