Dân Việt

Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang cũng từng bị mang ngoại hình ra làm trò cười

Hà Thúy Phương 15/01/2019 10:28 GMT+7
Không khó để có thể thấy body shaming - việc mang ngoại hình ra để giễu nhại, làm trò cười trên sân khấu, truyền hình ở nước ta trong những năm gần đây.

Body shaming hay "miệt thị ngoại hình" là một hình thức dùng ngôn ngữ để chê bai hay chế giễu ngoại hình của người khác, khiến cho người đó cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm. Và nó tồn tại ngay trên sàn diễn, truyền hình và điện ảnh. Không khó có thể thấy body shaming trên sân khấu – truyền hình ở nước ta trong những năm gần đây, đặc biệt khi chính kịch gặp nhiều khó khăn và hài kịch lên ngôi như là một lối thoát cho những người làm trong ngành nghệ thuật từ biên kịch, đạo diễn đến diễn viên.

Body shaming thực sự trở thành một một sự tận dụng triệt để hay có thể nói là lợi dụng, khi các nhân vật hài kịch được tạo hình với các đặc điểm hình thể khác thường nhằm gây cười. Những nhân vật hài xuất hiện nhan nhản trong tất cả các vở hài kịch thường có đặc điểm như: rất béo, rất gầy, chân thọt, tay khoèo, nói lắp, hoặc có một hình thức nào đó khác người. Mỗi lần những nhân vật như thế xuất hiện, bằng cái duyên và khả năng diễn xuất, bắt chước sự tội nghiệp của những người như thế ngoài đời thật từ các nghệ sĩ, để gây ra tiếng cười cho người xem.

Khán giả cười một cách vô thức, theo bản năng mà trong thâm tâm chưa kịp nghĩ rằng, liệu những người có khuyết tật hình thể hoặc có hình thức khác thường sẽ cảm thấy như thế nào! Cũng có thể không mấy người nhận biết điều đó và nếu việc này vẫn cứ tiếp diễn thì về lâu dài những người như thế sẽ nói “không” với sân khấu hài kịch khi vở kịch nào cũng nhan nhản những hình tượng giễu nhại họ.

img

Nghệ sĩ Hoài Linh thường xuyên bị các "đàn em" gọi là "khô mắm"

Mặt khác, nhiều nghệ sĩ tự giễu nhại chính mình, và lấy đó làm đặc điểm để khán giả dễ dàng ghi nhớ. Trên sân khấu có thể thấy nhiều nghệ sĩ tự khắc họa mình với các đặc điểm rõ nét và thậm chí coi là đặc trưng riêng của mình. Ví dụ như nghệ sĩ Quang Thắng – Thắng mũi to, nghệ sĩ Vân Dung -  Cây đào thế, nghệ sĩ Xuân Bắc – chân vòng kiềng và trang phục sặc sỡ, cố nghệ sĩ Phạm Bằng – Bằng hói, nghệ sĩ Trấn Thành – luôn bị các đồng nghiệp mang chủ để giới tính và đi giày đế độn ra trêu chọc trên sàn diễn, nghệ sĩ Hồng Giang – Giang còi, nghệ sĩ Trường Giang – được khắc họa với chiều cao khiêm tốn, nghệ sĩ gạo cội Hoài Linh cũng thường xuyên bị mang đặc điểm cơ thể gày gò làm chủ đề vui cười… và một loạt nghệ sĩ tự lấy từ “mập” làm nghệ danh của mình… Các tác phẩm có những nghệ sĩ này tham gia, nhân vật của họ càng được làm nổi bật những đặc điểm hình thể để trở nên đóng đinh với môtip nhân vật như một lời tuyên bố “tôi là độc nhất vô nhị”.

img

Nghệ sĩ Trường Giang thường được nhắc đến với vóc dáng "khiêm tốn"

Với những diễn viên nổi tiếng, họ có thể không cảm thấy bị tổn thương vì họ vốn đã nổi tiếng rồi và được nhiều người hâm mộ, họ không ngại phô ra những đặc trưng hình thức của mình. Và các biên kịch, đạo diễn lại càng ủng hộ các diễn viên nổi tiếng mỗi khi xây dựng nhân vật cho họ, đều để đất cho họ nhấn mạnh thêm đặc điểm của mình hoặc xây dựng nhân vật giống hệt hình thức bên ngoài của diễn viên. Điều này cho thấy không chỉ có những người tạo nên tác phẩm, mà chính những nghệ sĩ vô tình tự giễu mình và coi như đó là một đặc điểm riêng biệt của mình khiến khán giả dễ dàng ghi nhớ.

img

Hình tượng Cô Đẩu trong Táo quân

Vô hình trung, điều này là cổ vũ cho body shaming. Với nhiều diễn viên thành công, tên tuổi của họ luôn gắn liền với những vai diễn, mỗi vai diễn là một sự hóa thân hoàn toàn khác nhau chứ không phải là sự tận dụng những ưu nhược hình thức có sẵn của mình. Điển hình như vai diễn kẻ sát nhân trong phim "Monster", Charlie Theron đã ăn nhiều để tăng cân và có thân hình thô kệch cho đúng với nhân vật mà cô đóng.

Không chỉ có body shaming về hình thức bên ngoài, gần đây, có ý kiến cho rằng các tác phẩm truyền thông lạm dụng quá nhiều hình ảnh của những người trong giới LGBT để giễu nhại mang tính giải trí. Điều này được thấy cả trên một số phim điện ảnh, truyền hình, và chương trình Táo quân cũng được nhắc đến với ý kiến của một MC cho rằng hình ảnh Cô Đẩu ngày một có tạo hình diêm dúa và phải chịu đựng sự trêu chọc từ các nhân vật khác.

Trên phim điện ảnh, cũng dễ dàng thấy nhiều bộ phim sử dụng hình ảnh người trong giới LGBT để tạo thêm màu sắc và sự vui vẻ cho phim như: "Gái già lắm chiêu" (vai do diễn viên Huỳnh Lập đóng), "Cô Ba Sài Gòn' (vai do Tùng Leo đóng), "Chị trợ lý của anh" (diễn viên Quang Trung đóng).

img

Huỳnh Lập (trái) trong "Gái già lắm chiêu".

Mỗi con người đều được sinh ra với những hình hài, giới tính khác nhau, và có những người không may mắn khuyết tật về hình thể. Tập trung khai thác những điều này trong các tác phẩm nghệ thuật và truyền thông chính là body shaming trong nghệ thuật và đây không còn làm một cách làm nghệ thuật văn minh, mặc dù trước đây chúng ta coi đó chỉ là một sự đùa vui. Ngày nay, người ta không còn cổ súy cho cách làm này bởi mọi người đều nhận ra, đó chính là cách làm tổn thương người khác. Tất cả mọi người dù mang những nét khác biệt cần được đối xử công bằng như nhau, một minh chứng là cô gái khiếm thị gốc Việt Christine Hà đã thi đấu và trở thành quán quân Master Chef mùa thứ 3 tại Mỹ mà không có một sự phân biệt nào.