Dân Việt

Hầm Cù Mông nghìn tỷ xuyên núi nối 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên và nỗi lo trạm BOT dày đặc

Dũ Tuấn 15/01/2019 11:49 GMT+7
Dự kiến ngày 21.1 tới đây, hầm Cù Mông sẽ được thông xe và đưa vào sử dụng. Đây là dự án có tổng mức hơn 3,9 nghìn tỷ đồng, nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Trước khi hầm Cù Mông được đưa vào sử dụng và tiến hành thu phí qua hầm, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đưa ra vấn đề lo ngại các trạm BOT quá nhiều, lại đặt gần nhau trên địa bàn tỉnh sẽ khiến người dân bức xúc.

Buổi kiểm tra công tác nghiệm thu, hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng tại dự án hầm Cù Mông (vào chiều tối 14.1) diễn ra với rất nhiều ý kiến ‘chất vấn’, kiến nghị liên quan đến công trình.

Xử lý… vấn đề thi công ‘ẩu’

Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư công trình), hầm Cù Mông được khởi công từ tháng 9.2015 và đến nay, các hạng mục của dự án đã hoàn thành và đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định. 

“Vì vậy, đề nghị Hội đồng kiểm tra, chấp nhận kết quả nghiệm thu của nhà đầu tư để chính thức đưa công trình vào khai thác, sử dụng trước Tết nguyên đán 2019. Đặc biệt, kiến nghị Hội đồng nghiệm thu nhà nước có ý kiến với Thủ tướng, Bộ GTVT để điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông kết nối với hầm Cù Mông nhằm tiết kiệm nguồn vốn đầu tư của nhà nước và nâng hiệu quả của dự án”, ông Đông nói.

img

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (bên trái) và ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả "thị sát" thực tế hầm Cù Mông. Ảnh: Dũ Tuấn

Ông Lê Luân, Phó Giám đốc dự án Liên danh Tư vấn giám sát (Apave International - A2Z – Apave Pacific), cho rằng công tác tư vấn giám sát đã kiểm soát chặt chẽ nguồn vật liệu ra vào công trường với hàng loạt biện pháp xử lý ‘mạnh’ như: loại bỏ các xe bê tông, đá không đạt chất lượng và yêu cầu nhà thầu sửa sai bằng cách phá bỏ làm lại, thực hiện đúng tiêu chuẩn.

Đến nay, vẫn còn hàng loạt tồn tại ở các gói thầu được đại diện Tư vấn giám sát đã chỉ ra như: gói thầu CM2A – Đường dẫn phía Bắc, gói thầu CM2B – Đường dẫn phía Nam, gói thầu CM10 – Xây dựng, cung cấp và lắp đặt hệ thống điện nguồn (Từ TBA 110 kV đến SS1), điện động lực, điện chiếu sáng, SCADA và thông gió, gói thầu CM11 – Cung cấp lắp đặt thiết bị ITS , thiết bị trạm thu phí…

Tuy nhiên, đại diện Tư vấn giám sát cũng nhận định, hầu hết các nhà thầu thi công các gói thầu tại dự án đã thi công theo đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, đạt yêu cầu chất lượng công trình.

Thực hiện đúng các quy định về xây dựng cơ bản hiện hành, bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường, không để xảy ra sự cố. Dự án đã đầy đủ hạ tầng phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, gói thầu đảm bảo chất lượng… đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành hạng mục, công trình đưa vào sử dụng.

img

Cận cảnh đường dẫn vào hầm Cù Mông. Ảnh: Dũ Tuấn

“Giám sát có chặt chẽ, có nghiêm khắc không”?, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước đặt câu hỏi.

“Đã khá nhiều lần chúng tôi từ chối không nghiệm thu. Thực tế, giám sát làm việc rất kiên quyết, như ví dụ tôi đã nêu ra là loại khỏi công trường các xe bê tông không đảm bảo chất lượng”, ông Luân khẳng định.

Chưa thống nhất thời gian thu phí(?)

Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị Ban quản lý dự án 85 – Bộ GTVT (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án hầm Cù Mông) trả lời kiến nghị việc hầm Cầm Mông có thể sẽ trở thành tuyến đường nhỏ với xu hướng lưu lượng xe qua lại không cao, do nhiều tuyến đường lớn sắp hình thành. Điều này, được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính ban đầu, thời gian thu phí.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 85, cho rằng: “Trong hợp đồng ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư có tính toán về lưu lượng xe qua lại để tính đến khả năng thu phí. Tuy nhiên, trường hợp lưu lượng xe thay đổi ảnh hưởng đến thu phí thì sẽ thỏa thuận lại”.

img

Ông Phan Cao Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn

Đánh giá cao việc dự án đã vượt tiến độ trước 3 tháng, tuy nhiên ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, lại đưa ra những lo ngại trước việc đặt trạm thu phí qua hầm.

“Ở Bình Định đã có 3 dự án BOT rồi nên trước đây chúng tôi đã nói với nhà đầu tư rằng, nếu có 1 trạm BOT ở phía Bắc TP. Quy Nhơn và 1 trạm BOT phía Nam TP. Quy Nhơn thì người dân sẽ bức xúc về phương tiện đi lại vì 2 trạm rất gần nhau. Nên đối với hầm Cù Mông, nhà đầu tư đã cam kết với tỉnh Bình Định sẽ tính toán đặt trạm tại tỉnh sau năm 2020. Trạm thì phải có nhưng vào thời điểm nào, việc này tới đây địa phương, Bộ GTVT và nhà đầu tư sẽ giải quyết cụ thể”, ông Thắng cho hay.

img

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (Ảnh: Dũ Tuấn)

Qua hồ sơ, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định công trình hầm Cù Mông đến nay đã kết thúc và cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết kế, đủ điều kiện để cho thông xe. Sắp tới, dự án sẽ ra thông báo, hoàn thành hồ sơ pháp lý để Bộ GTVT xác nhận việc đảm bảo an toàn giao thông.

“Chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư dự án duy trì hệ thống quản lý chất lượng mang tính khách quan, cái này luôn luôn phải độc lập, không ai can thiệp hay ép thế này, ép thế kia. Cần tôn trọng nguyên tắc độc lập, khách quan trong quản lý chất lượng. Có làm được vậy mới tạo chất lượng tốt, tạo vị thế uy tín cho nhà đầu tư về cả chất lượng và tiến độ. Còn riêng vấn đề tài chính thì tùy theo thời gian, hoàn cảnh cụ thể để có hướng giải quyết phù hợp”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng chốt vấn đề.

Còn 6 ngày nữa, hầm Cù Mông sẽ đi vào hoạt động(!)

Dự án hầm Cù Mông được khởi công từ tháng 9.2015 trên tuyến quốc lộ 1, nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Dự án có tổng chiều dài tuyến xây dựng mới khoảng 6,62 km, trong đó hầm đường bộ qua đèo Cù Mông dài khoảng 2,6km. Được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư là 3.921 tỉ đồng, trích từ nguồn vốn tiết giảm trong quá trình thực hiện dự án hầm Đèo Cả.

Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý Dự án 85 làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (trực thuộc Tập đoàn Đèo Cả) là chủ đầu tư của dự án.

Chủ đầu tư cho rằng, khi hoàn thành, hầm Cù Mông có vai trò kết nối, xóa "điểm đen" tai nạn giao thông, rút ngắn quãng đường và tạo điều kiện mở rộng giao thương, liên kết vùng và phát triển kinh tế khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Dự kiến ngày 21.1 tới đây, hầm Cù Mông sẽ được thông xe và đưa vào sử dụng.