Dân Việt

4 huyện ngoại thành nào của Hà Nội sẽ lên quận?

Anh Đức (TH) 15/01/2019 14:31 GMT+7
Sáng nay (15.1), tại hội nghị toàn quốc tổng kết ngành Nội vụ, ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã có kiến nghị TƯ bổ sung cơ chế được áp dụng ngay bộ máy như mô hình quận (không làm tăng đơn vị hành chính) đối với 4 huyện ngoại thành: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Theo ông Sáng, việc này giúp Hà Nội sớm áp dụng quản lý theo đô thị như xây dựng, quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị tốt hơn thay vì để các huyện tự phát thực hiện cho đến khi đủ tiêu chí theo quy định.

"Nếu 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm sớm thành quận, định hướng quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sẽ giảm được 164 cán bộ chuyên trách, hơn 2.000 đại biểu HĐND cấp xã", ông Sáng cho biết.

Cuối năm 2018 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020. Đồng thời giao Ban cán sự đảng UBND TP thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc tổ chức triển khai đề án; khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai đề án theo đúng quy trình, quy định hiện hành của nhà nước.

img

Đại lộ Thăng Long là một trong những tuyến đường huyết mạch của thủ đô đi qua huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Đô/VNE

Để có đủ nguồn lực thực hiện đề án, TP.Hà Nội chỉ đạo các sở ngành phối hợp với huyện Hoài Đức đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư tại chỗ từ tiềm năng đất đai trên địa bàn thông qua việc đấu thầu, đấu giá theo quy định và cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất một cách hợp lý.

Để đảm bảo tiến độ của đề án, TP.Hà Nội cần nghiên cứu, xem xét đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho huyện Hoài Đức thực hiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư công và phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Trong khi đó, Đông Anh là huyện đóng vai trò rất quan trọng ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô. Cũng cuối năm 2018 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố xác định mục tiêu phát triển Đông Anh trở thành quận vào năm 2020, là trung tâm của đô thị thông minh.

img

Đông Anh là huyện đóng vai trò rất quan trọng ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô. (Ảnh: IT)

Với lợi thế địa bàn rộng, Đông Anh có nhiều tiềm năng phát triển thành một đô thị hiện đại. Vì vậy, huyện cần triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm xây dựng Đông Anh trở thành quận; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng là quận trung tâm của đô thị thông minh với các khu công viên phần mềm, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm cao cấp, trung tâm y tế…

Đặc biệt, huyện Đông Anh cần sớm xây dựng đề án xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, xử lý nước thải ở tất cả các làng, xã, trồng cây xanh tạo cảnh quan và cải tạo chất lượng không khí, phấn đấu thu gom vận chuyển rác thải trong ngày đạt tỷ lệ 100%, phát triển mạng lưới chiếu sáng nông thôn bằng hệ thống đèn led tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, huyện cần đẩy mạnh công tác cấp nước sạch nông thôn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống phục vụ nhân dân. Với những tuyến ống cũ, cần tiến hành kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo đạt tiêu chuẩn, hợp vệ sinh. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự quan tâm sát sao, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các xã, thôn.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi giao thoa của dòng văn hoá Thăng Long và Kinh Bắc, Gia Lâm được xác định là vùng kinh tế trọng điểm. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng: Quốc lộ 1A; Quốc lộ 1B; Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 5; Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Hà Nội - Hưng Yên; đường 181...; đường thuỷ sông Hồng, sông Đuống, ga Yên Viên và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc và xuôi cảng biển Hải phòng.

Trên địa bàn huyện có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại được hình thành; nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút đông khách thập phương trong và ngoài nước như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng, may da Kiêu Kỵ, chế biến thuốc bắc Ninh Giang. Đây chính là những động lực và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ giao thông, giao lưu hàng hoá hiện nay và trong tương lai.

img

Huyện Gia Lâm đặt mục tiêu sẽ lên quận vào năm 2020. (Ảnh: Lao động Thủ đô)

Với những đồ án quy hoạch Khu đô thị Trâu Quỳ, Ninh Hiệp, Ðình Xuyên, “siêu dự án” đô thị với gần 9 vạn dân, cùng quy hoạch huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/5.000 sắp hoàn thành, huyện Gia Lâm đang từng bước phấn đấu trở thành khu đô thị lớn, dần hội đủ các tiêu chí trở thành một quận phía Ðông Thủ đô vào năm 2020.

Tháng 6.2018, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Gia Lâm, tỷ lệ 1/500 tại khu vực thị trấn Trâu Quỳ và các xã: Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn. Tổng diện tích đất khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 420ha và quy mô dân số khoảng 89.500 người.

Mới đây, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, huyện đang chỉ đạo hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020.

Là một trong 4 "ứng cử viên" huyện sẽ được lên thành quận trong thời gian sắp tới, Thanh Trì có diện tích tự nhiên gần 6.300 ha (trong đó trên 50% là đất nông nghiệp); dân số trên 23 vạn người; huyện có 15 xã và 1 thị trấn.

img

Huyện Thanh Trì là một trong 4 huyện có lộ trình sẽ lên thành quận trong thời gián sắp tới (Ảnh: Môi trường và Đô thị)

Những năm gần đây, Thanh Trì có tốc độ đô thị hóa nhanh, theo quy hoạch của thành phố nằm trong khi vực nội đô mở rộng.

Trước đó, tại buổi làm việc với huyện Thanh Trì diễn ra từ năm 2016, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, Thanh Trì là huyện nông thôn mới, ven đô và đang chuyển dịch theo hướng đô thị hóa, các quy hoạch trước đó là huyện nông thôn. Do đó, ông đề nghị huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát để biết từ nay đến năm 2020, 2025 có đạt các chỉ tiêu lên quận hay không.

 Năm 2013, sau khi huyện Từ Liêm được tách làm hai quận, tổng số quận của thành phố lên 12 (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm).

Hiện, Thành phố có 17 huyện và một thị xã, với tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 584 (386 xã, 177 phường, 21 thị trấn), gần 8.000 thôn, tổ dân phố.