Trong những quốc gia tham dự Asian Cup 2019, Yemen đang là đất nước hứng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ chiến tranh vào lúc này. Cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2015 đã biến nơi đây trở thành vùng đất có “tỷ lệ người chết vì đói nghèo cao hơn nhiều so với chết vì bom đạn” và hứng chịu “thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử” - theo miêu tả của tờ New York Times.
Trên BXH FIFA tháng 12.2018, đội tuyển Yemen chỉ đứng thứ 144, không chỉ thấp nhất trong số các đội tuyển có mặt tại bảng D mà còn thấp nhất trong toàn bộ 24 đội tuyển tham dự vòng chung kết (VCK) Asian Cup 2019. Đây cũng là lần đầu tiên ĐT Yemen góp mặt ở vòng chung kết Asian Cup.
ĐT Yemen bị đánh giá thấp hơn so với ĐT Việt Nam.
Thành tích lớn nhất của nền bóng đá Yemen là việc đội tuyển U17 nước này tham dự VCK giải U17 thế giới năm 2003. Tại vòng loại Asian Cup 2019 này, ĐT Yemen đã chiến đấu với một tinh thần tuyệt vời để giành vé tới vòng sơ loại thứ ba - dù ở giai đoạn 1, họ chỉ giành 3 điểm sau 8 trận và có hiệu số... -15.
Cần chú ý rằng giải vô địch quốc gia Yemen đã bị hoãn trong 3 năm liền do những lo ngại về các cuộc không kích có thể tấn công những địa điểm đông người. FIFA cũng cấm Yemen được tổ chức những trận đấu trên sân nhà với lý do tương tự.
Vì vậy, các CLB Yemen gần như phải ngưng hoạt động vì đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính. Họ không đủ kinh phí trả cho đội ngũ nhân viên, cũng như các cầu thủ. Những cầu thủ thi đấu tại Yemen phải tìm đường ra nước ngoài thi đấu, lựa chọn phổ biến là những quốc gia cũng thuộc khu vực Trung Đông như Qatar hay Iraq.
Dù vậy, cũng chỉ có 11 trong tổng số 23 tuyển thủ Yemen hiện tại có được may mắn đó. Số còn lại thậm chí đã không chơi chuyên nghiệp suốt 4 năm qua. Thay vào đó, họ tập trung vào các công việc bên ngoài để tìm kế mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình.
Những khoản trợ cấp ít ỏi từ việc thi đấu khiến họ không có lựa chọn. Người thì làm thêm bằng nghề lái taxi, nhân viên siêu thị, giao hàng... kẻ thì chọn đường binh nghiệp. Tìm được lực lượng đủ tốt để thành lập đội tuyển đã khó, việc mời được HLV trưởng còn khó hơn bội phần.
Hồi đầu năm 2018, HLV Abraham Mebratu đã từ bỏ công việc chỉ sau 3 tháng nhậm chức. Ông Jan Kocian được bổ nhiệm sau đó. Nhưng ông này cương quyết không tới Yemen và chỉ làm việc với đội bóng ở bên ngoài đất nước, như Arabia Saudi, nơi đội tuyển tập trung để chuẩn bị cho giải đấu ở UAE.
Việc Yemen xuất hiện tại VCK Asian Cup 2019 là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của những quan chức tại quốc gia này. LĐBĐ Yemen thực tế rất may mắn mới không bị phá nát do quan hệ ngoại giao với hai lực lượng chính tạo ra cuộc nội chiến tại quốc gia này.
Ngoài ra, nhờ LĐBĐ châu Á (AFC) thay đổi cách thức tổ chức vòng loại nên Yemen cũng may mắn vì có cơ hội làm lại từ đầu sau khi thua tan nát ở vòng bảng đầu tiên trước những đối thủ như Uzbekistan, CHDCND Triều Tiên, Bahrain và đặc biệt là Philippines, đối thủ rất gần gũi với ĐT Việt Nam.
Hồi tháng 10, LĐBĐ Yemen mới bổ nhiệm nhà cầm quân người Cộng hòa Czech Jan Kocian ngồi lên ghế HLV trưởng đội tuyển Yemen sau khi HLV Abraham Mebratu - người đưa Yemen lọt vào VCK Asian Cup 2019 - từ chức vào tháng 6.
Ông Kocian bắt đầu dẫn dắt ĐT Yemen kể từ Asian Cup 2019 và qua 2 trận, đội bóng này toàn thua, thủng lưới 8 bàn và không ghi được bàn thắng nào. Lần cuối cùng ĐT Yemen giành chiến thắng là khi đánh bại Nepal 2-1 hồi tháng 3/2018. Từ thời điểm đó đến nay, ĐT Yemen không biết thắng là gì.
Từ năm 2015 tới nay, cuộc khủng hoảng chính trị ở Yemen bùng phát thành nội chiến giữa chính phủ Hadi và phiến quân Houthi, nhấn chìm quốc gia vốn đã nghèo nhất Trung Đông. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có tới 21 trong tổng số 27,5 triệu dân Yemen cần hỗ trợ nhân đạo. Nạn đói và dịch bệnh tràn lan, trong khi khắp nơi đều là đống đổ nát. Vì điều này bóng đá ở xứ sở Tây Á hoàn toàn đình trệ. Họa hoằn lắm mới có một vài trận đấu giao hữu được tổ chức.