Tại kết luận (số 850/KL/TU, ngày 28.12.2018) do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - ông Lê Viết Chữ ký, nêu rõ, đối với cấp tỉnh: "Những đồng chí sinh từ năm 1965-1975, trường hợp không tốt nghiệp đại học (ĐH) chính quy có thể xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phẩm chất đạo đức tốt được cơ quan, đơn vị tín nhiệm và cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền kề, hoặc nếu có bằng thạc sĩ thì hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liền kề. Những đồng chí sinh sau năm 1975 trở về sau phải tốt nghiệp ĐH chính quy".
Văn bản điều chỉnh tiêu chuẩn trình độ chuyên môn khi bổ nhiệm cán bộ của Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Đối với cấp huyện, nếu sinh từ năm 1965-1975 mà không tốt nghiệp ĐH chính quy có thể xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với các chức danh phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phẩm chất đạo đức tốt, được cơ quan, đơn vị tín nhiệm và cấp thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liền kề. Riêng các chức danh: Bí thư, phó bí thư và tương đương; chủ tịch HĐND, UBND và trưởng phòng giáo dục cấp huyện nếu không tốt nghiệp ĐH chính quy phải có phẩm chất đạo đức tốt, được cơ quan, đơn vị tín nhiệm và cấp thẩm quyền đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền kề, hoặc nếu có bằng thạc sĩ thì hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liền kề.
Còn trường hợp sinh sau 1975 nhưng không tốt nghiệp ĐH chính quy thì có thể xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với các chức danh phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phẩm chất đạo đức tốt, được cơ quan, đơn vị tín nhiệm và cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền kề, hoặc nếu có bằng thạc sĩ thì hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 năm liền kề. Riêng các chức danh: Bí thư, phó bí thư và tương đương; chủ tịch HĐND, UBND và trưởng phòng giáo dục cấp huyện phải tốt nghiệp ĐH chính quy.
Được biết đến tháng 8.2017, tuy sửa đổi hạ mốc năm sinh (tính từ năm 1975, thay cho 1965 trở về sau) nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp ĐH chính quy mới được bổ nhiệm và thăng chức. Theo đó, nhiều trưởng, phó phòng ban của cấp huyện đã là thạc sĩ nhưng bằng tốt nghiệp ĐH là tại chức, từ xa nên phải đăng ký học lại ĐH chính quy. Việc này gây nhiều tranh cãi trong dư luận Quảng Ngãi và nhiều tỉnh, thành khác trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết: "Đề ra quy định về ĐH chính quy, tại chức là mong muốn hạn chế bớt các trường hợp 'con ông cháu cha' học hành làng nhàng lại được đưa vào, bổ túc lên cho đạt chuẩn rồi bổ nhiệm".
Trả lời PV Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thẳng thắn: "Làm gì có chuyện năng lực của một người rất vất vả mới thi đỗ và tốt nghiệp ĐH chính quy lại ngang bằng với người học tại chức, từ xa".
Theo vị lãnh đạo này, việc tỉnh Quảng Ngãi đề ra quy định trên là mong muốn hạn chế bớt đi các trường hợp "con ông cháu cha" học hành làng nhàng lại được đưa vào, bổ túc lên cho đạt chuẩn rồi bổ nhiệm. Trong khi đó, hàng ngàn con em khác của người dân học hành tử tế, đào tạo chính quy nhưng bằng cấp thấp hơn không được nhận, bổ nhiệm.
"Nói như vậy không phải cứ ĐH chính quy là có năng lực giỏi. Rất nhiều cán bộ dù học tại chức, từ xa nhưng có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội, có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm... vẫn được bổ nhiệm, bổ nhiệm cao hơn", ông Quang nói.