Dân Việt

Thất nghiệp, dân... nhậu suốt ngày

30/11/2010 13:39 GMT+7
(Dân Việt) - Đi dọc vùng biển Quảng Nam từ tháng 10 (AL) đến gần Tết, đâu đâu cũng thấy bàn nhậu được bày ra. Người già, người trẻ cứ thế lai rai từ sáng đến chiều. Tất cả cũng vì thất nghiệp.
img
Không khó mấy để nhìn thấy những ngư dân uống rượu tại các quán xá.

Ngư dân Nguyễn Dục (56 tuổi) tợp một ngụm rượu rồi khề khà nói: "Không phải bợm nhậu đâu chú em. Trời mưa, biển động, rảnh quá không biết làm gì thì lấy rượu mà giết thời gian thôi".

Người già nhậu, trẻ cũng nhậu. Nhiều thanh niên không phải là không có việc làm trong mùa này, nhưng vẫn nhậu. "Ở đây, lớn lên đã thấy mấy bác, mấy anh nhậu rồi. Nên tụi em không nhậu... không được"- Nguyễn Thanh (23 tuổi) giải thích đơn giản.

Với dân biển, mùa này là mùa "ngư nhàn", không đi khơi được, có chăng chỉ làm trong bờ. Tuy nhiên, như lời ngư dân Nguyễn Văn Thanh (66 tuổi): "Dạo này lượng cá bờ giảm lắm. Đi làm cũng chẳng được chi" Mấy năm trước dù là mùa mưa, ngư dân vẫn có thể làm gần bờ vì lúc đó sản lượng cá dồi dào. Nhưng mấy năm lại đây thì "gác kiếm".

Trước kia, nhiều ngư dân sắm tàu, sắm ngư cụ câu mực để mùa đông vào Nam câu mực khơi vì biển phía Nam ấm, làm được cả mùa đông. Nay làm ăn thất bát, nhiều ngư dân đành bỏ biển phía Nam mà chấp nhận trú đông ở quê.

Cứ thế, mùa trú đông tránh bão của ngư dân ven biển giờ được chính họ gọi tếu là "mùa đi… nhậu". Tất cả cũng chỉ vì họ lúng túng không tìm ra giải pháp tìm việc làm lúc nhàn rỗi. Những công việc kiếm sống trước kia, giờ quá khó để tạo ra tiền. Đồng thời, học thức không nhiều, tuổi cao và không thạo việc nào khác khiến ngư dân không muốn cũng phải... thất nghiệp, đành chấp nhận "nhậu thay làm" trong mùa đông.

Hỏi đáp chính sách

Gia đình chú tôi rất nghèo nhưng không được xếp vào diện hộ nghèo, hơn nữa chú tôi cũng không biết chữ nhưng rất thiết tha đi học. Chú tôi băn khoăn, chú không biết chữ có thể đăng ký tham gia các lớp dạy nghề nông dân không? Chú đi học có được hỗ trợ tiền ăn, đi lại không?

Minh Hoàng (Tân Sơn, Phú Thọ)

Trả lời:

Theo thông tư số 112/2010/TTLT-BTC - Bộ LĐ-TB&XH, điều kiện người lao động được hỗ trợ học nghề là: Trong độ tuổi lao động nữ từ 16-55 tuổi; nam từ 16-60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khoẻ phù hợp với ngành nghề cần học. Riêng những người không biết đọc, biết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề... Như vậy, chú của bạn không biết chữ vẫn có thể đăng ký theo học.

Thông tư này cũng xác định 4 đối tượng được hỗ trợ học nghề gồm: Lao động thuộc diện gia đình chính sách; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người tàn tật; hoặc thuộc diện bị thu hồi đất canh tác. Nếu chú của bạn không thuộc diện hộ nghèo thì yêu cầu địa phương xác định theo diện hộ cận nghèo (hộ cận nghèo là hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được xác định. Thông tư số 27/2007/TT - Bộ LĐ-TB&XH ngày 30-11-2007 của Bộ LĐ-TB&XH). Nếu thuộc diện này, chú của bạn sẽ được hỗ trợ ăn, đi lại theo chính sách quy định cụ thể của từng địa phương.

Nguồn: Tổng cục Dạy nghề