Hàng chục lãnh đạo và nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc
Thời gian vừa qua là giai đoạn “khủng hoảng” về nhân sự đối với Ban QLĐSĐT. Theo một lãnh đạo của Ban, tính đến cuối năm 2018, đã có khoảng 50 nhân sự của đơn vị này nộp đơn xin nghỉ việc.
Người đầu tiên là ông Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng Ban QLĐSĐT). Ông Quang được UBND TP.HCM bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban QLĐSĐT TP hồi tháng 6.2016. Đây là lần đầu tiên TP.HCM bổ nhiệm một người ngoài Đảng, lại không phải công chức vào vị trí quan trọng (tương đương giám đốc sở) và là đơn vị trực thuộc UBND TP.
Ông Quang đã 3 lần gửi đơn xin thôi việc. Lần gần nhất là vào ngày 2.1.2019, ông Quang xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Sáng 4.1.2019, UBND TP.HCM đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang.
Cũng tại ban này, ông Dương Hữu Hòa (Giám đốc Dự án kiêm Chủ tịch Công đoàn) cũng đã nộp đơn lên UBND TP xin nghỉ việc. Ông Hòa nêu lý do xin nghỉ là vì "sức khỏe không đảm bảo công việc". Tuy nhiên, hiện đơn của ông Hòa vẫn chưa được UBND TP chấp thuận.
Do không ứng được vốn nên năm 2018 tiến độ thi công Dự án tuyến Metro số 1 bị chậm trễ (Ảnh tư liệu)
Ông Phan Nhật Linh (Trưởng phòng kế hoạch – Hợp đồng) cũng đã hai lần nộp đơn và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động kể từ 31.12. Được biết, hiện ông Linh đã quay trở lại ban tiếp tục công việc.
Nổi cộm nhất tại Ban QLĐSĐT là việc xin nghỉ việc chưa được chấp thuận nhưng ông Hoàng Như Cương (Phó giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Ban QLĐSĐT) đã đi Mỹ từ đầu tháng 12, khi chưa được UBND thành phố chấp thuận. Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TPHCM đã có quyết định đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy của ông Hoàng Như Cương.
Cùng với những lãnh đạo của Ban QLĐSĐT xin nghỉ việc, tại ban này còn gần 50 cán bộ nhân viên làm đơn xin nghỉ việc, tạo nên tình hình bất ổn và “khủng hoảng” về nhân sự của ban.
Cùng ngày miễn nhiệm chức vụ Giám đốc đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND TP.HCM đã điều động và bổ nhiệm ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM làm Trưởng Ban QLĐSĐT.
Tuyến Metro số 1 có “về đích” đúng hẹn?
Trong buổi làm việc với phóng viên Dân Việt vào sáng 16.1, ông Phan Nhật Linh, Trưởng phòng Kế Hoạch – Hợp đồng, cho biết mới đây UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với Ban QLĐSĐT, các sở, ngành, quận, huyện có liên quan về tiến độ thực hiện Dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Sau nhiều lần tạm ứng vốn, đến nay TP đã tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng và được hoàn trả 600 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư nên dự án không được Trung ương giao vốn cấp phát (vốn ODA). Vì vậy, TP đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng.
Để đảm bảo thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng, Ban QLĐSĐT kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục tạm ứng từ ngân sách TP để thanh toán cho các gói thầu.
Dự án tuyến Metro số 1 bị điều chỉnh tăng vốn gấp 3 lần và đang chờ Trung ương chấp thuận (Ảnh tư liệu)
Ông Linh cũng cho biết, dự án đã được cấp thẩm quyền điều chỉnh tăng vốn tổng mức đầu tư. Trong thời gian tới lãnh đạo TP cũng đã hứa sẽ tạo mọi điều kiện để nhà thầu thi công. Ban QLĐSĐT đề nghị TP cho tạm ứng đợt 1.2019 số tiền 2.245 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu, cố gắng đảm bảo thời gian trước tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo đánh giá, đến hết năm 2018, khối lượng thực hiện Dự án tuyến Metro số 1 đạt khoảng 62%. Cùng với sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của thành phố, Ban QLĐSĐT quyết tâm tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác ứng vốn và giải ngân cho các nhà thầu thi công, đảm bảo sau tết Kỷ Hợi các đơn vị sẽ tổ chức ra quân thi công đồng loạt.
Phấn đấu hết năm 2019 sẽ hoàn thành được 80% khối lượng công việc của tuyến Metro số 1, năm 2020 hoàn thành toàn tuyến theo đúng kế hoạch được giao.
Khởi công tháng 8.2012, tuyến Metro số 1 - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP. HCM dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Năm 2007, TP.HCM phê duyệt dự án Metro số 1 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng. Sau đó, dự án, được chuyển giao cho Ban QLĐSĐT làm chủ đầu tư. Đơn vị này chọn nhà thầu cùng với việc làm rõ thiết kế cơ sở dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án tăng lên thành 47.325 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yên) vào năm 2009. Theo kế hoạch, tuyến Metro số 1 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2017, nhưng đến nay đã “trễ hẹn”. TP.HCM đã đưa tuyến Metro số 1 vào danh mục “Công trình cấp bách thực hiện hoàn thành giai đoạn 2018 - 2020” kèm theo Quyết định 4341 về giảm ùn tắc giao thông… ban hành vào tháng 10.2018. Đồng thời trước đó, TP.HCM đã phải liên tục tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu thi công, nhằm bảo đảm tuyến Metro số 1 duy trì được tiến độ thi công, hoàn thành theo đúng kế hoạch.. |