Dân Việt

Chi phí lấy chứng nhận GAP quá đắt

11/01/2012 10:33 GMT+7
(Dân Việt) - GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đang là tiêu chuẩn mà ngành nông nghiệp cả nước hướng tới. Thế nhưng, chi phí để lấy chứng nhận này hiện quá đắt đang gây nhiều khó khăn cho nông dân.

2 tiêu chuẩn GAP đang được thực hiện phổ biến ở nước ta là GlobalGAP và VietGAP. Chi phí để lấy 2 chứng chỉ này hiện khá cao.

img
Thiếu GAP, khóm Tân Phước có khi chỉ còn 500 đồng/kg.

Theo bà Nguyễn Trịnh Nhất Hằng - Trưởng phòng Canh tác (Viện Cây ăn quả Miền Nam), hiện tổng chi phí để đầu tư lấy chứng chỉ VietGAP cho khoảng 20ha cây ăn trái ở ĐBSCL không dưới 250 triệu đồng, trong đó chi phí tư vấn, tập huấn, xét nghiệm mẫu... để nông dân thực hành tiêu chuẩn này trong 1,5 - 2 năm là khoảng 200 triệu đồng. Còn lại là chi phí lấy chứng nhận. Chi phí lấy chứng chỉ GlobalGAP còn mắc hơn gấp 2, gấp 3.

"Do chi phí cao, một nông hộ không thể gánh nổi nên tiêu chuẩn này hiện chỉ phù hợp cho mô hình HTX với nhiều xã viên cùng lấy chung 1 chứng nhận" - bà Hằng phân tích.

Tuy nhiên một thực tế đang diễn ra là hầu như chưa một HTX nào thực sự bỏ chi phí ra để đầu tư lấy các chứng chỉ này trong thời gian qua, nhất là VietGAP.

Để phát động phong trào này, Nhà nước đang bỏ tiền ra làm miễn phí hoàn toàn cho các HTX. Với GlobalGAP cũng vậy, phần lớn các HTX lấy được chứng chỉ này đều do có... nhà tài trợ, một doanh nghiệp hoặc một dự án quốc tế nào đó. Còn nếu để nông dân tự làm thì họ không có tiền.

Thế mới có câu chuyện "dở khóc, dở cười" khi Metro bỏ tiền ra đầu tư cho HTX Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) lấy chứng chỉ GlobalGAP nhưng đến năm sau khi họ không hỗ trợ nữa thì các HTX này cũng “gãy gánh” theo: Không có tiền để tái chứng nhận.

"Chi phí tái chứng nhận hơn 180 triệu đồng. Mặc dù tỉnh Vĩnh Long đã đồng ý hỗ trợ 50%, nhưng số tiền còn lại HTX cũng không kham nổi nên đến giờ vẫn chưa tái chứng nhận được. Thị trường xuất khẩu lẫn bạn hàng trong nước theo đó cũng mất theo"- ông Nguyễn Văn Nghĩa - Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa buồn bã nói.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với HTX Quyết Thắng (Tiền Giang). HTX được tỉnh đầu tư lấy chứng chỉ VietGAP cho thương hiệu khóm Tân Phước nổi tiếng của mình năm 2009. Đến năm 2010, HTX không có tiền tái chứng nhận, phải chạy vạy khắp nơi mãi đến năm 2011 mới đủ tiền tái chứng nhận lại. Đây cũng đang là nỗi lo chung của các HTX khác.

"Toàn bộ tiền lấy chứng nhận năm đầu tiên, trên 70 triệu đồng, đều do UBND TP.Bến Tre hỗ trợ hết. Chúng tôi đang lo không biết lấy đâu ra tiền để tái chứng nhận sắp tới đây" - ông Lê Tân Kỳ - quyền Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (Bến Tre) cho hay.