Dân Việt

Đề xuất phải có chứng chỉ hành nghề dạy học: "Giấy phép con" chỉ thêm tiêu cực

Hà My 17/01/2019 06:49 GMT+7
Đề xuất giáo viên cần có chứng chỉ hành nghề dạy học, chỉ là giải pháp “ngọn” không giải quyết được những bức xúc của ngành giáo dục hiện nay, thậm chí là 1 loại... "giấy phép con".

Giúp kiểm soát chất lượng giáo viên

Tại hội thảo góp ý các nội dung về chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều ý kiến từ các chuyên gia cho rằng cần phải có những quy định cụ thể về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm công tác giảng dạy nói chung để có thể quản lý được nghề nghiệp có tính đặc thù này.

img

Chứng chỉ hành nghề sẽ trở thành một “giấy phép con” trong ngành giáo dục.  (Ảnh giáo viên, học sinh trường tiểu học tại Hà Nội).  Ảnh: I.T 

"Theo tôi, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên chỉ có thể thực hiện được nếu ở Việt Nam có một hiệp hội về giáo viên, hoạt động thật nghiêm túc, có hệ thống thật chặt chẽ để đảm bảo cấp chứng chỉ hành nghề chính xác. Nếu không có những tổ chức như thế thì chưa có đại diện để thực hiện, đây không phải là việc dễ dàng, cần một hiệp hội có năng lực, trình độ, chuyên môn, chặt chẽ như các hiệp hội nghề nghiệp ở nước ngoài”.

GS. Lâm Quang Thiệp -
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GDĐT

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT, ông Lê Quán Tần đã kiến nghị: “Việt Nam nên có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng đảm bảo của giáo viên trong thực tế hành nghề”.  Ông Tần chia sẻ, ở Nhật, những người được đào tạo giáo viên muốn đi dạy cần phải có chứng chỉ hành nghề, 10 năm cấp 1 lần. Chứng chỉ hành nghề giáo viên là thước đo để kiểm soát năng lực, đạo đức nhà giáo.

Thời gian vừa qua, những vụ việc “nóng” về bạo hành, sai phạm thi cử, xâm hại tình dục… trong ngành giáo dục khiến cho dư luận phải bàng hoàng. Ông Tần cho rằng việc thiếu một “giấy phép” hành nghề cũng khiến cho việc xử lý các vụ việc liên quan tới đạo đức nhà giáo gặp nhiều khó khăn.

“Giờ có những giáo viên tát học sinh đến phải vào bệnh viện. Khi có chứng chỉ hành nghề thì chỉ cần rút chứng chỉ vì vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, chứ không phải cứ thực hiện hành vi xong rồi nói xin lỗi do nóng nảy hay còn thiếu kinh nghiệm. Cái này như là một luật vô hình, phi văn bản về những tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo. Có như vậy mới chọn ra được những người có trách nhiệm với xã hội, không làm ẩu, làm theo ý mình mà bỏ qua nghề nghiệp” - ông Tần nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Mậu Bành- Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm của ông Tần. Theo ông Bành: “Những vụ việc bạo hành của giáo viên thời gian qua với học sinh không phải là khuyết điểm của từng cá nhân nhà giáo mà phải xem lại cơ chế quản lý nhà giáo của chúng ta hiện nay. Chúng ta không có cơ chế nào “rút phép thông công” khi nhà giáo vi phạm. Không thể để tình trạng “cứ dạy học là thành nhà giáo”.

Biết dạy chưa chắc là nhà giáo

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với quan điểm về chứng chỉ hành nghề dạy học của ông Lê Quán Tần, nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng thêm một “giấy phép con” chỉ làm tăng áp lực cho giáo viên mà không giải quyết được căn nguyên của những vụ việc “nóng” trong giáo dục Việt Nam hiện nay.

PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), cho rằng ở nước ta nghề giáo cũng có 18 tháng tập sự nhưng gần như 100% là cho qua vì tính hành nghề của ta thấp. Như vậy, cơ sở pháp lý đã có nhưng không được làm chặt chẽ và đúng mục tiêu. Phải có sự chọn lọc trong quá trình tập sự nhằm tìm ra người có đủ khả năng làm giáo viên.

“Sư phạm là một nghề rất đặc thù vì có thể kiến thức rất tốt nhưng không phải ai cũng có kỹ năng truyền đạt, giảng dạy nên người ta phân biệt giữa nghề và nhà sư phạm là vì thế” - bà Thơ nói.

Cũng theo PGS Chu Cẩm Thơ, ở các nước đa số đi theo mô hình nối tiếp. Nghĩa là học một trường đại học khoa học, sau đó những người đạt đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng thì mới tiếp tục được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, chứ không đào tạo song song như ở nước ta.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, việc đặt ra vấn đề nhà giáo không chỉ có bằng cấp mà còn có cả đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng thực sự là cần thiết, nhưng cơ quan nào cấp chứng nhận hành nghề ấy, có đáng tin cậy hay không là việc rất quan trọng.

Do vậy, nếu đưa thành quy định trong luật thì phải giải quyết rất nhiều vấn đề kỹ thuật có liên quan để có thể thực hiện được. “Nếu không sẽ không tránh khỏi việc “đẻ” ra một loại giấy phép con và chạy chọt, “mua, bán” chứng chỉ hành nghề” - ông Lâm trăn trở.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh – giáo viên cấp 2 một trường THCS TP.Thanh Hóa cho rằng ý kiến đề xuất giấy phép hành nghề dạy học là đang quá đề cao tính hiệu quả của bằng cấp. “Theo tôi, bằng cử nhân ngành sư phạm tự thân nó đã là một giấy phép hành nghề dạy học. Việc phát sinh thêm một chứng chỉ không những không giải quyết được vấn đề về đạo đức, chuyên môn của nhà giáo mà còn đặt áp lực lên giáo viên. Hiện tại có thống kê nào về việc bao nhiêu giáo viên hiện nay suy đồi về đạo đức, yếu kém về chuyên môn đâu? Tại sao chỉ vì những sự kiện “đen” của ngành giáo dục để đặt ra một loại “giấy phép con” cho toàn bộ giáo viên?”.

img

Tăng chất lượng giáo viên từ đào tạo

Một giấy phép sinh ra sẽ đi kèm với hàng loạt những bài toán khó như tổ chức thi sát hạch giấy phép ở thành phố lớn thì giáo viên sẽ phải tự bỏ tiền túi đi thi, với đồng lương ít ỏi như hiện tại thì đúng là sự khó khăn rất lớn cho giáo viên tỉnh, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Còn nếu tổ chức ở các tỉnh thành thì liệu có đảm bảo được về mặt chất lượng, an toàn của kỳ sát hạch hay không? Hay lại diễn ra tình trạng “mua, bán” giấy phép? Theo tôi, để tăng chất lượng của giáo viên chúng ta đã có cơ chế từ trường đại học. Việc cần làm là củng cố, siết chặt lại cơ cấu tổ chức, cơ chế giảng dạy từ khi còn đào tạo, không để “thả nổi” như hiện nay được.

Cô Bùi Thu Hương – giáo viên tiểu học tại TP.Thanh Hóa

img

Một tờ giấy không giải quyết được vấn đề

Thời gian vừa qua có quá nhiều sự việc xảy ra đối với ngành giáo dục khiến cho phụ huynh chúng tôi vô cùng hoang mang. Tuy nhiên, việc phát sinh ra một giấy phép bắt buộc đối với giáo viên có lẽ là giải pháp mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn. Nếu trường sư phạm không thể đào tạo ra được những nhà giáo giỏi thì trách nhiệm nằm ở khâu đào tạo chứ không phải là khâu phía sau đó. Cần phải nêu cao trách nhiệm của trường sư phạm và bộ máy quản lý tại nhà trường nơi giáo viên làm việc chứ không phải “vẽ” ra một loại giấy phép nữa.

Chị Trần Thị Hà Anh, phụ huynh học sinh lớp 1
(Cầu Giấy, Hà Nội)

Hà My (ghi)