Dân Việt

Thử sức ở những xã yếu

11/01/2012 10:34 GMT+7
(Dân Việt) - Không giống nhiều địa phương khác, khi chọn xã điểm để xây dựng nông thôn mới (NTM), TP. Hải Phòng lại chọn những xã trung bình trở xuống...

Không thích... nhàn

Tại thời điểm này, Hải Phòng đang tập trung gấp rút hoàn thành quy hoạch tổng thể NTM và xúc tiến xây dựng các hạng mục đầu tiên cho từng xã, nhất là ở 8 xã điểm thuộc 7 huyện. Ông Nguyễn Ngọc Hưng- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Hải Phòng) cho biết: "Trong 8 xã điểm, chỉ có 2 xã đạt 8 tiêu chí, còn lại đa số các xã chỉ đạt 4-6 tiêu chí, thậm chí có xã mới chỉ đạt 2-3 tiêu chí".

img
Bộ mặt nông thôn ở Hải Phòng ngày càng khang trang.

Giải thích về sự lựa chọn "ngược" này, ông Hưng bộc bạch: "Nếu chọn các xã mạnh về kinh tế, đạt 12 - 13 tiêu chí làm điểm thì chúng tôi rất nhàn. Tuy nhiên, với các xã đạt nhiều tiêu chí thì việc đầu tư sẽ giảm, nhiều tiêu chí dường như không phải đầu tư nữa, như vậy khi áp dụng vào các xã đạt ít tiêu chí thì nguồn kinh phí sẽ bị "vênh", khó cho việc hạch toán kinh phí. Chọn xã phát triển trung bình nhưng có hệ thống chính trị vững mạnh để khi nhân rộng, xã nào cũng làm được".

Điểm tựa của Hải Phòng khi dám mạnh dạn chọn những xã điểm như thế là được người dân rất ủng hộ. Ông Vũ Mạnh Nhưng- Chủ tịch UBND xã Phù Ninh- xã điểm xây dựng NTM của huyện Thủy Nguyên, cho hay: "Ngoài việc dựa vào sức dân, công tác chỉ đạo cũng rất quan trọng. Đây là chương trình lâu dài, mỗi địa phương cần xác định rõ nên xây dựng tiêu chí nào trước".

Cũng theo ông Nhưng, khi xây dựng các tiêu chí, phải có sự đan xen hỗ trợ lẫn nhau, ví như xây dựng tiêu chí đường, điện... trước, từ đó sẽ hỗ trợ cho các tiêu chí làng văn hóa, cũng như đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập. "Không nên làm ồ ạt, đẩy khối lượng công việc, kinh phí lên cao sẽ rất khó hoàn thành" - ông Nhưng chia sẻ.

Lấy thủy sản, chăn nuôi làm “đòn bẩy”

Theo ông Đinh Công Toản- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Phòng, thành phố đang dự kiến sẽ cấp kinh phí cho mỗi xã xây dựng NTM khoảng 100 tỷ đồng. Trong đợt 1, thành phố sẽ giải ngân khoảng 50% kinh phí để các xã tiến hành xây dựng các hạng mục cơ bản như đường giao thông, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động... Với cách làm này, Hải Phòng đã xác định ưu tiên phát triển nông nghiệp làm "đòn bẩy" trong xây dựng NTM.

Thế mạnh nông nghiệp của Hải Phòng là khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và trồng trọt. Theo báo cáo, mỗi năm sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của Hải Phòng khoảng 100.000 tấn, tăng khoảng 6%/năm. Ngoài ra còn sản xuất ra khoảng 40 triệu con giống tôm sú, 1,2 tỷ cá giống các loại. “Chúng tôi ưu tiên và khuyến khích các xã thành lập HTX đánh bắt xa bờ và HTX nuôi trồng thủy hải sản để nâng cán cân thu nhập từ nông nghiệp, có thực lực thì công cuộc xây dựng NTM mới thành công” - ông Toản chia sẻ.

Dự kiến năm 2013, Hải Phòng sẽ hoàn thành xây dựng NTM cơ bản ở 8 xã, năm 2015 có 25% xã (tương đương 36 xã) hoàn thành xây dựng NTM và năm 2020 khoảng 70% (100 xã) đạt tiêu chuẩn NTM.

Một trong những tiêu chí đang được Hải Phòng tập trung triển khai là cứng hóa kênh mương, bởi theo ông Phạm Hồng Cương- Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá (xã điểm NTM ở huyện Kiến Thụy), thủy lợi của xã chủ yếu là nước tự chảy, xã cũng có 22km kênh mương nhưng hoạt động không hiệu quả. Do đó, xã đã linh động sử dụng máy bơm, chủ động nguồn nước nên năng suất liên tục tăng. Theo ông Toản, để "kích cầu" ngành nông nghiệp, thành phố ưu tiên 100% kinh phí cho xây dựng kênh mương nội đồng, hỗ trợ các địa phương mua máy móc, cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chăn nuôi cũng là một trong những thế mạnh để làm "đòn bẩy" cho Hải Phòng xây dựng NTM. Hiện Hải Phòng chọn hình thức chăn nuôi công nghiệp, trang trại, gia trại là chính. Tổng đàn lợn của 8 xã điểm khoảng 550.000 con, cùng 6 triệu gia cầm và 26.000 con trâu, bò với sản lượng thịt ước đạt khoảng 110.000 tấn/năm. Dự kiến trong năm tới sẽ tăng sản lượng thịt lên khoảng 130.000 tấn/năm.