Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tuần đầu tiên của năm 2019, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào.
Hiện 24/24 quận, huyện đều phát hiện ca bệnh sởi, các quận có nhiều ca bệnh là: Quận Thủ Đức, 8, 12 và Bình Tân.
Đây là thời điểm cuối mùa bệnh sởi nhưng số bệnh nhân tại TP.HCM lại tăng đột biến.
Đây là thời điểm cuối mùa bệnh sởi nhưng số bệnh nhân tại TP.HCM lại tăng đột biến. Tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng những ngày này đang rơi vào tình trạng quá tải do số người mắc sởi nhập viện tăng mạnh. Đáng nói là đa số những ca bệnh đều không tiêm chủng hoặc tiêm vắc xin sởi không đủ mũi.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7 đến 13-1), trên địa bàn thành phố ghi nhận 9 trường hợp mắc sởi đầu tiên trong năm 2019.
Lo lắng về nguy cơ dịch tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, diễn biến thời tiết như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sởi phát triển. Hơn nữa, do lo ngại các phản ứng sau tiêm chủng, nên không ít phụ huynh không cho con tiêm chủng đầy đủ.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, tại đây chỉ tiếp nhận khoảng 10 trường hợp điều trị sởi, thì gần đây, có ngày đã tiếp nhận 3-4 ca mắc sởi.
Đặc biệt, các ca bệnh chủ yếu là người lớn. Xét theo lứa tuổi sinh học, đây là giai đoạn con người có lỗ hổng miễn dịch khi kháng thể kháng bệnh yếu đi hoặc không còn. Thậm chí, nhiều bệnh nhân không nhớ rõ trước đây đã tiêm phòng hay chưa.
Trước tình hình này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tập trung nguồn lực trong việc phòng, chống, điều trị bệnh sởi, đặc biệt phải phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo mức độ bệnh, tổ chức phân luồng, không để quá tải lên tuyến trên và không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, đối với gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần đưa trẻ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, phải đảm bảo trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.
Bên cạnh đó, theo ông Phu các bậc phụ huynh hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hoặc phát ban. Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.
"Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng", ông Phu khuyến cáo.
Trước khi nhập viện, trẻ thường có biểu hiện sốt cao, dùng hạ sốt nhưng không giảm.