Dân Việt

Cận Tết, báo động tình trạng trẻ em bị phỏng thương tâm

Quốc Hải 17/01/2019 16:03 GMT+7
Trong vòng hơn 1 tuần, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị phỏng ở trẻ em rất thương tâm, có trường hợp trẻ tử vong sau đó vài giờ vì phỏng quá nặng.

ThS.BS Diệp Quế Trinh, khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, trong vòng một tuần nay, khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình đã tiếp nhận gần chục trường hợp trẻ bị phỏng bởi sự bất cẩn của cha mẹ, người lớn.

img

Bệnh nhi T.B.L bị phỏng nặng 2 chân vì nước sôi. Ảnh: Quốc Hải

Cụ thể, khoa đang tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi H.T.H.Y (nữ, 10 tuổi) quê ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị với chẩn đoán bị sốc phỏng lửa Gas (độ II - III), diện tích phỏng lên tới trên 80% bề mặt da.

“Hiện bệnh nhi H.T.H.Y bị phỏng đường hô hấp, suy hô hấp, tiên lượng rất nặng, chưa thể can thiệp bằng phẫu thuật được”, bác sĩ Trinh cho biết.

Một trường hợp khác là bệnh nhi T.B.L (nam, 15 tháng tuổi), quê ở xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cũng phải nhập viện sáng nay 17.1 do bỏng nước sôi độ II-III, diện tích phỏng khoảng 7%. Theo cha của bé B.L, mẹ bé đang chuẩn bị pha nước nóng tắm cho bé nhưng bé nghịch quơ tay làm đổ bình nước vào chân gây bỏng nặng, bé sau đó được đưa đến BV Nhi Đồng 1 để cấp cứu và hiện tại đã ổn định.

Một trường hợp khác nữa là cách đây 2,3 ngày, bé C.M.D (nam, 1 tuổi) ngụ ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng được gấp rút đưa vào BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) do vết bỏng nước sôi (độ II-III) với diện tích bỏng lên tới 23%. Hiện bệnh nhi này đang được tiếp tục theo dõi.

Thương tâm nhất là trường hợp bé trai 28 tháng tuổi tạm trú tại TP.Tân An (tỉnh Long An). Theo BS Diệp Quế Trinh, bé trai này là người dân tộc thiểu số (quê Cà Mau), cùng cha mẹ rời quê nhà đi làm xa. Tại TP.Tân An, bé cùng các bé lớn trong xóm gom rác lại thành đống để đốt, một bình chứa xăng cũ ở bên trong bất ngờ phựt lên gây nổ khiến bệnh nhi 28 tháng tuổi bỏng nặng.

“Bé được đưa lên bệnh viện và chúng tôi đã hết lòng cứu chữa nhưng do diện tích phỏng lên tới hơn 95% diện tích cơ thể, hơn nữa vết phỏng cứng bì hết rồi nên chỉ sau gần 1 ngày điều trị, bé không qua khỏi. Còn gì xót xa và thương tâm hơn khi nhìn đứa trẻ bị phỏng gần như toàn thân vậy”, bác sĩ Trinh thổn thức.

img

Bệnh nhi H.T.H.Y (nữ, 10 tuổi) bị phỏng trên 95% và tiên lượng rất nặng. Ảnh: Quốc Hải

Trước tình hình diễn biến của các ca phỏng tăng mạnh, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán, bác sĩ Diệp Quế Trinh cảnh báo, các bậc cha mẹ nên quan tâm trẻ nhiều hơn, tránh để xảy ra các trường hợp tai nạn đáng tiếc. Ở các vùng quê có tổ chức nấu bánh chưng thì phải quan sát và để trẻ tránh xa nơi nấu bánh, sau khi đun nấu xong phải triệt để tập tắt bếp và than lửa để tránh cho trẻ bị phỏng sâu.

“Mọi năm, cứ dịp trước và sau tết là BV Nhi Đồng 1 lại cấp cứu rất nhiều trường hợp cha mẹ vì bất cẩn nên để con bị phỏng nặng do nước sôi, do lửa cháy rất thương tâm, vì vậy các bậc cha mẹ cần lưu ý con em của mình”, bác sĩ Trinh khuyến cáo.