Sau một thời gian dài tham gia công tác với nhiều cố gắng, nhưng anh V.T.N (sinh 1975, cán bộ ở một huyện miền núi Quảng Ngãi) vẫn không thể được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo phòng. Lý do, bằng tốt nghiệp đại học (ĐH) của anh V.T.N là bằng tại chức, không đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định mà tỉnh đã ban hành.
Trước việc Tỉnh ủy Quảng Ngãi nới rộng tiêu chuẩn trên, anh V.T.N bày tỏ: "Sự điều chỉnh này của cấp thẩm quyền Quảng Ngãi tháo gỡ sự mặc cảm, tạo động lực cho số cán bộ tốt nghiệp ĐH không chính quy như tôi phấn đấu, vươn lên trong công tác".
Nhiều huyện chấp nhận vi phạm chuẩn bổ nhiệm để có người quản lý, làm việc.
Không riêng số cán bộ tốt nghiệp ĐH không chính quy, nhiều lãnh đạo cơ quan tham mưu cho chính quyền huyện về công tác cán bộ, đặc biệt là ở miền núi cũng bớt đi gánh nặng.
Ông Lê Minh Vương - Trưởng phòng Nội vụ huyện Tây Trà nói: "Do đặc thù của địa phương và nhiều nguyên nhân khác, phần đông bằng tốt nghiệp ĐH của cán bộ Tây Trà là tại chức. Nếu không đề bạt thì thiếu lãnh đạo phòng ban và cán bộ quản lý để làm việc, mà đề bạt thì sai quy định của tỉnh. Với sự điều chỉnh vừa qua, phần nào tháo gỡ cái khó cho những người làm công tác tham mưu như chúng tôi".
Tuy nhiên, bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn thẳng thắn: "Nội dung này tôi đã phát biểu và chất vấn nhiều lần tại các cuộc họp Tỉnh ủy. Trong thực tế điều hành công việc, cá nhân tôi nhìn nhận vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, khả năng, uy tín và trách nhiệm với công việc rất quan trọng, chứ không phải là bằng cấp chính quy hay không chính quy".
"Nếu cho rằng chất lượng đào tạo không chính quy không đảm bảo chất lượng thì mạnh dạn kiến nghị bỏ; tạo điều kiện cho cán bộ chưa đủ chuẩn này đi học chính quy. Chứ học chính quy theo kiểu tuần 2 ngày (thứ Bảy, Chủ nhật) để lấy bằng tốt nghiệp đối phó như nhiều trường hợp mà vừa qua báo chí phản ánh thì không nên", bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho biết.
Cũng theo vị nữ Bí thư huyện Bình Sơn, nhiều trường hợp không phải tiến sĩ, thạc sĩ, không ĐH chính quy nhưng nỗ lực trong công việc, được nhân dân ghi nhận và hài lòng. Vì vậy dù không đủ chuẩn, nhưng đã bổ nhiệm mà cán bộ đó phát huy tốt, phải đề xuất tạo điều kiện cho họ tiến xa hơn. Còn chất lượng đào tạo chính quy hay không chính quy thế nào thì phải kiểm tra chương trình dạy của các cơ sở đào tạo, chứ không phải do người học.
"Nếu cho rằng chất lượng đào tạo không chính quy không đảm bảo chất lượng thì mạnh dạn kiến nghị bỏ; tạo điều kiện cho cán bộ chưa đủ chuẩn này đi học chính quy. Chứ học chính quy theo kiểu tuần 2 ngày (thứ Bảy, Chủ nhật) để lấy bằng tốt nghiệp đối phó như nhiều trường hợp mà vừa qua báo chí phản ánh thì không nên", bà Thư kiến nghị.
Được biết, đến tháng 8.2017, tuy sửa đổi hạ mốc năm sinh (tính từ năm 1975, thay cho 1965 trở về sau) nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp ĐH chính quy mới được bổ nhiệm và thăng chức. Theo đó, nhiều trưởng, phó phòng ban của cấp huyện đã là thạc sĩ nhưng bằng tốt nghiệp ĐH là tại chức, từ xa nên phải đăng ký học lại ĐH chính quy. Việc này gây nhiều tranh cãi trong dư luận Quảng Ngãi và nhiều tỉnh, thành khác trong nước.
Ngày 28.12.2018, ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi ký văn bản kết luận điều chỉnh về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn cán bộ (sinh từ năm 1965 - 1975) khi bổ nhiệm chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương các cấp của tỉnh này.