Dân Việt

Chiến tranh Arab-Israel 1973 (Kỳ 2): Sức mạnh quân sự

Huy Lê 21/01/2019 11:35 GMT+7
Người Arab sẽ phải đối mặt với một đội quân đáng gờm nhờ sức mạnh thiết giáp và không quân của Israel. Dưới mặt đất, lực lượng IDF được dẫn đầu bởi các xe tăng Centurion và M-60 cũng như “Super Shermans”, phiên bản cải tiến của mẫu xe tăng cổ điển trong Chiến tranh thế giới thứ 2 với cỡ nòng 75 hay 105 li tốc độ cao. Trên không trung, Không quân Israel sở hữu tổng cộng 366 máy bay, với các loại chiến đấu cơ uy lực như F-4 Phantom, A-4 Skyhawk, Mirage và Super-Mystère.

img

Sơ đồ cuộc tấn công của Syria từ 6 – 10.10.1973.

Kể từ sau cuộc chiến năm 1967, Israel đã xây dựng các hệ thống phòng thủ kiên cố cho những vùng lãnh thổ mới của họ. Tuyến Bar-Lev, là một chuỗi các công sự, trải dài 160 km dọc Kênh đào Suez, từ Địa Trung Hải ở phía bắc cho đến Vịnh Suez ở phía nam. Ở cao nguyên Golan, một mạng lưới phức tạp các chiến hào chống tăng, bệ bắn và đài quan sát được Israel lập nên để bảo vệ lãnh thổ của mình.

IDF đã cảm thấy an toàn đằng sau những thành lũy này, mà có lẽ là quá an toàn. Trước cuộc tấn công của Ai Cập, chưa đầy một nửa hệ thống phòng thủ Bar-Lev được canh gác đầy đủ. Quá ngạo mạn sau khi đè bẹp liên quân Arab trong cuộc chiến năm 1967, giới lãnh đạo quân sự Israel đã đánh giá thấp kẻ thù của họ. Một thiếu tướng Israel cao giọng: “Hãy đặt tất cả lính dù Arab trang bị tên lửa Sagger trên một ngọn đồi và tôi sẽ thổi bay họ chỉ bằng 2 chiếc xe tăng”. Tuy nhiên, Giám đốc cơ quan mật vụ Israel (Mossad) Zvi Zamir sau đó đã thừa nhận “chúng tôi đã xem thường họ”.

Trong cả mùa hè và đầu mùa thu năm 1973, các nhà lãnh đạo quân sự của Ai Cập và Syria đã hoàn tất các kế hoạch của mình. Họ quyết định mở màn cuộc tấn công vào ngày 6.10, khi các điều kiện dòng chảy và thủy triều ở Kênh đào Suez thuận lợi nhất cho nỗ lực vượt sang bờ bên kia. Đây cũng là ngày chuộc lỗi (Yom Kippur), ngày thiêng liêng nhất của người Do thái, tuy nhiên, các nhà sử học không thống nhất về việc liệu Ai Cập có cố tình lên kế hoạch tấn công đúng vào ngày này hay không. Người Do thái và nhiều người phương Tây gọi cuộc xung đột này là Cuộc chiến Yom Kippur. Còn người Arab thì gọi đó là Cuộc chiến Ramadan bởi giao tranh bùng phát trong tháng lễ Ramadan và đúng vào ngày mà người Hồi giáo mở tiệc ăn mừng chiến thắng của Nhà tiên tri Muhammad trong Cuộc chiến Badr và việc ông trở về Mecca. Trên thực tế, người Ai Cập lấy mật danh của cuộc tấn công này là Chiến dịch Badr.

img

Lực lượng Ai Cập vượt kênh đào Suez.

Về cơ bản, Israel vẫn không hề hay biết kế hoạch tấn công của người Arab nhờ một chiến dịch lừa gạt tài tình. Vì người Syria hầu như chẳng làm gì để che giấu việc tập trung các lực lượng quân sự, nên IDF tin rằng động thái đó sẽ không gây ra bất cứ hậu quả nào. Trong khi đó, các chuyển động của Ai Cập dường như không khác mấy so với những cuộc diễn tập quân sự thường niên của họ vào mùa thu. Trong một diễn biến càng khiến Israel bị đánh lạc hướng, các nhà lãnh đạo Ai Cập và Syria đã tung tin đồn với báo chí về những rạn nứt sâu sắc làm chia rẽ hai nước này khi Tổng thống Sadat có bài phát biểu gay gắt về một “năm quyết định” mà sẽ chẳng bao giờ xảy ra.

Khi nỗ lực tăng cường lực lượng của người Arab bắt đầu mang bóng hình của mối đe dọa thực sự, thì một số quan chức Israel đã hối thúc tấn công phủ đầu. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Golda Meir và Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan của Israel đã do dự vì lo ngại rằng Israel sẽ bị mang tiếng là kẻ gây hấn, điều sẽ làm suy giảm sự ủng hộ của Mỹ. Các điệp viên Mossad ngày 5.10 báo cáo rằng “chiến tranh đang cận kề”, song Giám đốc tình báo quân đội Israel đã bác bỏ cảnh báo này. Sau đó, Quốc vương Hussein của Jordan, vì lo ngại nổ ra một cuộc chiến tranh tổng lực, đã nói với bà Meir rằng Israel sắp bị tấn công. Nhưng một lần nữa, Ten Aviv không có động tĩnh gì. Dayan và Meir chỉ lường trước về một cuộc tấn công, nhưng không ngờ sẽ phải đối mặt với cả một cuộc chiến về quân sự, chính trị và kinh tế mà người Arab đã ngày đêm chuẩn bị.

Cuộc tấn công ở Sinai được mở màn bằng những cú đòn dữ dội với độ chính xác cao. Trong một phút đầu tiên sau khi giao tranh bùng nổ vào 2 giờ chiều, lực lượng pháo binh Ai Cập nã hơn 10.000 phát vào các cứ điểm của Israel dọc kênh đào Suez. Trong vòng 20 phút, các máy bay MiG thực hiện tới 300 lần xuất kích. Các đội xuồng cao su chở binh sĩ ồ ạt vượt kênh, khẩu hiệu “Allahu akbar” (Thánh Allah vĩ đại) vang lên từng hồi. Lực lượng đội ngũ kỹ sư triển khai vòi rồng, máy ủi và thuốc nổ đã khoét được 60 lối vào xuyên qua các thành lũy bằng cát.

Đến 5 giờ chiều, khoảng 32.000 lính bộ binh đã đổ bộ và trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hơn 1.000 xe tăng, 13.500 phương tiện và 100.000 binh sĩ đã vượt qua kênh đào an toàn. Tướng Shazly đánh giá “toàn bộ chiến dịch này là một bản giao hưởng hùng tráng với sự biểu diễn của hàng chục nghìn binh sĩ”. Phía Ai Cập chỉ tổn thất 208 người.

Ở Cao nguyên Golan, người Syria dường như cũng đạt được thành công tương tự. Họ đã triển khai khoảng 1.300 xe tăng (chủ yếu là T-55), 65 khẩu đội SAM, 400 pháo phòng không và 600 khẩu pháo dọc đường biên giới dài 80 km. Phía bên kia chiến tuyến, IDF chỉ có 170 xe tăng và 60 khẩu pháo để bảo vệ khu vực này.

Về mặt địa lý, các ranh giới của cao nguyên Golan cơ bản được đánh dấu bởi núi Hermon ở phía bắc và biển Galilee ở phía tây nam. Các lực lượng Syria sẽ tấn công ở cả phía bắc và phía nam với một đợt không kích phủ đầu.