Thôn Tràng Cát cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 30km nổi tiếng với nghề trồng lá dong gói bánh chưng truyền thống. Trước Tết nửa tháng, từ đầu làng tới ngõ xóm đâu đâu cũng tràn ngập những tấm lá xanh mướt mọc hai bên đường hoặc lối vào nhà.
Hầu hết các hộ gia đình ở làng đều trồng lá dong. Người có nhiều đất thì canh tác lớn, người ít diện tích thì làm nhỏ thu hoạch nhỏ. Từ trong sân nhà cho đến ngoài cánh đồng, nơi đâu cũng có thể trồng lá dong.
Mỗi vườn lá dong có thể thu hoạch hơn ba vụ trong năm, nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Những loại lá dong có bề rộng 25-35cm, dài 50-60cm, vừa vặn với khuôn bánh chưng được thị trường ưa chuộng.
"Lá dong trồng dễ nhưng quá trình chăm sóc khá tốn công sức, quan trọng hơn là việc bón phân, tưới nước phải đúng thời điểm để có lá đẹp phục vụ dịp tết. Nghề trồng lá dong được truyền từ đời này sang đời khác nên không ai nhớ có từ khi nào", bà Hà Thị Thinh cho biết.
Những ngày này, người già, người trẻ trong thôn tấp nập thu hoạch lá dong, cắt ra đến đâu bán hết tới đó. Anh Tuấn, một người nhiều năm kinh nghiệm trồng lá dong tiết lộ, mỗi sào chỉ cần đầu tư khoảng 500.000 đồng/năm nhưng có thể cho thu hoạch từ 8 - 10 triệu đồng.
Theo người dân ở đây, lá sau khi cắt để được 20 ngày, mỗi ngày tưới một ít nước,
Thời điểm đầu vụ, giá dao động từ 50.000 đến 90.000 đồng/100 lá tùy thuộc vào to hay nhỏ. Mỗi sào nếu được mùa có thể cho thu hoạch khoảng 5 vạn lá, tương đương 30 triệu đồng.
"Hàng năm đều có người vào tận vườn của gia đình đặt lá mang đi Đức, Mỹ để phục vụ kiều bào ở Việt Nam gói bánh chưng đón tết", một người dân thôn Tràng Cát nói.
Vào thời điểm này, các lái buôn bắt đầu đến chở hàng về các chợ tại nhiều địa phương lân cận.
Theo tiết lộ của người dân, cây dong phát triển tốt là do Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, khí hậu rất thích hợp.