Vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề nhức nhối trong những năm trở lại đây. Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thực phẩm tự làm của những người quen biết như: mứt, giò, bánh chưng…
Nhờ đó, những người làm rồi kinh doanh các sản phẩm này có thể kiếm được hàng chục triệu đồng trong dịp Tết Nguyên đán.
Mứt
Nắm bắt xu hướng sản phẩm handmade ngày càng được ưa chuộng dịp Tết, không ít bà nội trợ khéo tay đã học và làm mứt handmade để kiếm thêm thu nhập trong những ngày cuối năm. Trên mạng xã hội, người dùng không khó để tìm những sản phẩm mứt Tết handmade được rao bán hoặc dịch vụ nhận làm theo yêu cầu.
Chị Vũ Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đã bán được hơn chục kg mứt dừa non, còn 20kg chưa trả được cho khách. “Mứt tự làm không để được lâu, chỉ ăn được 2-3 ngày nên khách đặt đến đâu làm đến đó chứ không có hàng trữ. Vì không bảo quản được thời gian dài nên khách chỉ đặt mua 1-2kg/lần, hết lại mua tiếp. Hiện tôi bán 150.000 – 200.000 đồng/kg”, chị cho hay.
Mứt là món ăn được nhiều người đặt mua trong dịp này.
Theo chị, mứt dừa non làm khá đơn giản nhưng mất nhiều thời gian. Giá biến động theo ngày vì tùy thuộc vào giá nguyên liệu. Không chỉ bán mứt dừa non, chị còn làm và bán thêm mứt gừng, mứt cà rốt… để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, những người bán mứt handmade còn nhận làm theo yêu cầu của khách. Người mua có thể đặt vị, màu sắc… của mứt.
Giò, chả
Dù chưa đến Tết, giò bắp dê của chị Hải (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã được khá nhiều người đặt mua. “Khách đặt về ăn thử là nhiều, sau đó họ mới đặt số lượng lớn để 29, 30 mới lấy về ăn mấy ngày Tết. Người quen, người lạ đều đặt mua vì loại giò này mới xuất hiện trong năm nay”, chị Hải cho biết.
Chị khẳng định giò này do tự tay chị làm để gia đình ăn nhưng thấy nhiều người đặt nên chị mới đem bán. Giò được làm từ thịt bắp của con dê nuôi ở quê chị nên ăn ngon, thơm và đảm bảo chất lượng. Vì số lượng không có nhiều nên khách bắt buộc phải đặt trước mới có hàng.
Giò làm từ thịt bắp bê do chị Hải tự làm cũng được nhiều người đặt mua cho dịp Tết cổ truyền.
“Hiện, mình bán 300.000 đồng/kg. Nếu khách muốn ăn thử, chỉ cần đặt mua 2 lạng mình cũng bán với giá 70.000 đồng. Giá hiện tại là thế nhưng có thể tăng vào những ngày giáp Tết, khách nên đặt mua sớm để mua được giá mềm mà không sợ hết hàng”, chị Hải cho hay.
Không chỉ có giò bắp dê, các loại giò bò, chả cá… cũng được rao bán nhiều trên mạng xã hội. Một người bán đồ handmade 5 năm cho biết khách mua các sản phẩm tự làm ngày càng nhiều. “Chỉ cần bán 1 tháng giáp Tết, người kinh doanh sản phẩm tự làm có thể thu được hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, công việc này hơi vất vả vì phải làm nhanh, đảm bảo chất lượng để trả khách đúng hẹn”, người này cho biết thêm.
Bánh chưng
Bánh chưng là một trong những món ăn không thể thiếu được trong ngày Tết cổ truyền của nước ta. Đây là một nét văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, cuộc sống bận rộn, hối hả nên nhiều gia đình không có thời gian để gói, họ đành chọn cách đi mua bánh chưng để ngày Tết trọn vẹn.
Nhờ đó, những người làm và bán bánh chưng như anh Trần Quốc Đạt (Hưng Yên) được dịp “đếm tiền mỏi tay” trong mấy ngày cuối năm. Anh Đạt cho biết ngay từ đầu tháng 12 Âm lịch, anh đã nhận hàng chục đơn hàng đặt bánh chưng cho dịp Tết, có những khách đặt 20-30 chiếc bánh.
Người bán bánh chưng tự làm cũng kiếm hàng chục triệu đồng nhờ dịp này.
Để làm ra được một chiếc bánh chưng ngon, mang hương vị truyền thồng, anh phải đi đặt mua lá dong từ đầu tháng 12 Âm lịch. Gạo nếp, đỗ, thịt cũng được lựa chọn kỹ càng để chiếc bánh chưng thơm, ngon nhất.
“Hiện tại, khách hàng chỉ đặt trước thôi. Khoàng 23 – 30 Âm lịch, họ mới bắt đầu lấy. Lúc đó, việc làm không hết. Tôi phải chọn cách luộc bánh chưng ban đêm để tiết kiệm thời gian…”, anh cho hay.
Anh tiết lộ năm ngoái bán được 500 – 600 chiếc, giá 35.000 đồng/chiếc. Theo đó, anh thu được khoảng 20 triệu đồng (chưa trừ chi phí).
“Hàng có nguồn gốc chứ sao không? Ðây là bánh kẹo của công ty lớn trong nước làm nhé, mình mua cả bao lớn rồi xé lẻ...