Thủ tướng vừa biểu dương 33 địa phương đã giảm 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương) trong quý I/2012; đồng thời Thủ tướng phê bình Trưởng ban An toàn giao thông 10 địa phương vì có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao bất thường. Các trưởng ban này là chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với chủ tịch của tỉnh, thành phố, bị phê bình đã là điều để phải suy nghĩ. Dân chết vì tai nạn giao thông quá nhiều, nhưng từ trước đến nay, chưa có ai cụ thể phải chịu trách nhiệm và chịu hình thức kỷ luật. Những người làm lãnh đạo làm sao có thể không vỗ trán để nghĩ về sinh mạng của người dân, về sự an toàn của xã hội và tương lai đất nước. Một sự phê bình có thể không ảnh hưởng tới chức vụ của bất cứ ai, nhưng đó cũng là một sự đánh giá về năng lực quản lý và tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo. Nếu không có sự phê bình cá nhân cụ thể, thì trách nhiệm chung chung của một tập thể vẫn tồn tại bên cạnh hàng chục nghìn nạn nhân tai nạn giao thông mỗi năm.
Tuy nhiên, các địa phương để tai nạn giao thông tăng cao thì việc phê bình vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm của người lãnh đạo. Tai nạn năm sau cũng còn tăng, năm sau nữa vẫn không giảm, chẳng lẽ lại tiếp tục phê bình? Mục đích của sự phê bình là để người đứng đầu địa phương làm tốt hơn công việc của mình, hạn chế được tai nạn giao thông trên địa bàn. Còn như, phê bình cứ phê, dư luận mặc dư luận, thì phải có hình thức xử lý khác.
Không chỉ đối với tai nạn giao thông, phá rừng cũng là một thảm họa đối với đất nước. Báo chí quay phim, ghi hình được lâm tặc công khai phá rừng, chở gỗ lậu chạy giữa thanh thiên bạch nhật, thế nhưng lãnh đạo các tỉnh có rừng bị phá vẫn ung dung tự tại. Người ta có đủ lý do để đổ trách nhiệm cho khách quan, cho tập thể, cho cấp dưới, chưa có người nào dám đứng ra nhận trách nhiệm. Rừng bị phá là một thảm họa. Sự vô trách nhiệm của người lãnh đạo lại là đại họa.
Phê bình Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh để xảy ra tai nạn giao thông nhiều hay chủ tịch tỉnh để rừng bị phá nhiều là một sự nhắc nhở. Đối với người có lòng tự trọng, sẽ thấy đó là lời quở trách rất nặng nề, là có lỗi với nhân dân. Còn đối với người có dũng khí, dù Thủ tướng không kỷ luật thì bản thân cũng tự vấn mình đã làm tròn bổn phận hay chưa. Nhưng tiếc thay, dũng khí đâu mấy người có.
Chân Tâm