Làm việc không có phương tiện bảo hộ, người lao động rất dễ bị tai nạn (ảnh chụp tại Nhà máy Gạch tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh). |
Trạm y tế đóng vai trò trung tâm
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Tú - Trưởng nhóm biên soạn tài liệu Hướng dẫn An toàn vệ sinh lao động trong cộng đồng (vừa được Cục An toàn lao động phát hành), thực hiện chính sách quốc gia phòng chống tai nạn thương tích, Bộ LĐ-TB&XH đang xúc tiến xây dựng mô hình “cộng đồng an toàn”.
Mô hình này hướng tới việc xây dựng cộng đồng có khả năng kiểm soát và phòng ngừa các loại tai nạn, thương tích cũng như các yếu tố nguy cơ gây tai nạn tại cộng đồng. Xây dựng “cộng đồng an toàn” cần sự chung tay của cả người lao động, chính quyền địa phương và các đoàn thể, nhất là sự vào cuộc của trạm y tế xã, cán bộ y tế thôn bản, ban chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Điểm đặc biệt của mô hình này là Trạm y tế xã phải khám sức khoẻ định kỳ, lập và lưu giữ hồ sơ quản lý sức khoẻ và bệnh tật của người lao động. Nếu người nông dân hưởng ứng, có thể đề nghị nhân viên y tế thôn bản lập hồ sơ quản lý sức khoẻ riêng cho từng làng.
Trong hồ sơ quản lý sức khoẻ nông dân và lao động làng nghề gồm những phần sau: Tình hình bệnh tật; ốm nghỉ việc; quản lý bệnh mãn tính, diễn biến bệnh nghề nghiệp. Với lao động làm việc tại các làng nghề, chi phí khám chữa bệnh cho lao động sẽ do chủ cơ sở sản xuất chi trả.
Hiện, hoạt động này hầu như chưa được thực hiện tại các làng xã. Nhất là các làng nghề, nơi người dân mắc rất nhiều bệnh liên quan tới mặt hàng họ sản xuất như làng nghề sản xuất, tái chế giấy, kim loại, sản xuất gốm sứ.
Môi trường tại các làng nghề này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng (cả môi trường đất, nước và không khí...). Các chất kim loại rắn, khí độc làm người dân dễ mắc các bệnh hô hấp, bệnh ngoài da... Các bệnh mang tính chất “nghề nghiệp” này đang ít được thống kê một cách có hệ thống để can thiệp mạnh về mặt y tế.
Nông dân cần chủ động
Để thực hiện mô hình “cộng đồng an toàn”, ngoài hoạt động theo dõi sức khoẻ, Cục An toàn lao động cũng đã xây dựng nội dung đánh giá thực hiện an toàn tại cộng đồng gồm, trong đó nhấn mạnh an toàn điện, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn sử dụng thuốc.
Theo các nội dung này, nông dân phải kiểm soát các yếu tố như không sản xuất, vận chuyển các chất dễ gây cháy nổ, các bình đựng, dân dẫn xăng, dầu, gas phải tuyệt đối kín và để ở nơi xa lửa; hố vôi phải có che chắn, biển báo; hoá chất bảo vệ thực vật phải có nhãn ghi rõ họ tên; có phương tiện bảo hộ khi phun thuốc bảo vệ thực vật, khi tuốt lúa...
Đặc biệt, bà con cần xây dựng tủ thuốc gia đình hay túi thuốc cấp cứu để sơ cứu các trường hợp thương tích thông thường.?Tủ thuốc phải đặt ngoài tầm với của trẻ, thuốc phải có nhãn và hạn dùng.
Một điểm được nhấn mạnh trong tài liệu Hướng dẫn An toàn vệ sinh lao động trong cộng đồng là bà con nên lưu ý tới việc tổ chức lao động an toàn. Theo PGS.TS Hồng Tú, bản chất công việc nhà nông bận rộn theo thời vụ, có ngày phải làm ngoài trời liên tục từ 8-17 giờ/ngày nên nông dân dễ bị mệt mỏi, căng thẳng và tai nạn lao động. Một người làm nhiều việc khác nhau nên tiếp xúc với rất nhiều nguy cơ tai nạn khác nhau. Vì vậy, nếu biết bố trí thời gian lao động hợp lý, lao động có thể giảm bớt tác hại của các yếu tổ độc hại, căng thẳng thể lực, tâm lý.
Hồng Phúc