Dân Việt

6 phút trong hầm Cù Mông gần 4.000 tỷ đồng nối Bình Định - Phú Yên

Dũ Tuấn 22/01/2019 09:32 GMT+7
So với đèo Cả, địa chất ở khu vực thi công hầm đèo Cù Mông phức tạp hơn do tầng đá bị phong hóa mạnh. Tuy nhiên, những phức tạp về địa hình đã được khắc phục, điều đặc biệt, đây là hạng mục hoàn toàn do người Việt thực hiện.

img

Hầm đường bộ Cù Mông trên Quốc lộ 1 nối Bình Định - Phú Yên có tổng chiều dài 6,62km, vận tốc thiết kế 80km/giờ với tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng (được thực hiện từ nguồn vốn tiết giảm của dự án hầm đường bộ Đèo Cả), theo hình thức BOT.

img

Đây là tuyến hầm cuối cùng trong dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2) do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (trực thuộc Tập đoàn Đèo Cả) làm chủ đầu tư.

img

Hầm Cù Mông được khởi công từ ngày 26.9.2015. Sau hơn 3 năm xây dựng, hầm chính thức thông xe đưa vào khai thác, vận hành về đích trước kế hoạch gần 3 tháng.

img

Thay vì di chuyển gần 30 phút trên cung đường đèo đầy nguy hiểm thì giờ đây, theo trải nghiệm thực tế của phóng viên Dân Việt, chỉ mất 6 phút di chuyển cho đoạn đường bao gồm 2,6km hầm và 4,02km đường dẫn.

img

Hầm Cù Mông có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối giao thông khu vực, hạn chế ùn tắc, tại nạn giao thông cho các phương tiện khi đi qua đèo.

img

Bảng chỉ dẫn lối đi bên trong hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ đồng.

img

Theo chủ đầu tư dự án, hầm Cù Mông áp dụng phương pháp đào hầm NATM của Áo, được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư, công nhân có nhiều kinh nghiệm, đã từng đảm nhận xây dựng thành công hầm Đèo Cả, Cổ Mã.

img

So với đèo Cả, địa chất ở khu vực thi công hầm đèo Cù Mông phức tạp hơn với tầng đá bị phong hóa mạnh. Tuy nhiên, những khó khăn, phức tạp về địa hình đã được khắc phục và đảm bảo công trình về đích đúng tiến độ. Đây là hạng mục hoàn toàn do người Việt thực hiện.

img

Thiết bị bên trong hầm được trang bị rất hiện đại.

img

Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, công trình hoàn thành sau hơn ba năm thi công, vượt tiến độ gần ba tháng và không đội vốn. Đơn vị quản lý sẽ thu phí sau Tết Nguyên đán để người dân có thời gian trải nghiệm chất lượng hầm. 

img

Bên trong hầm được vệ sinh rất sạch sẽ.

img

Thiết bị chữa cháy sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có sự cố xảy ra trong hầm.

img

Theo ông Hoàng, cây sẽ được trồng ở đường dẫn và cửa hầm để người dân vừa qua hầm vừa ngắm cảnh với kỳ vọng hầm Cù Mông hướng tới trở thành công trình sinh thái.

Cam kết thu phí tại Bình Định sau năm 2020(?)

Như Dân Việt đã thông tin, tại buổi kiểm tra công tác nghiệm thu, hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng tại dự án hầm Cù Mông (chiều tối 14.1), ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định đã đưa ra những lo ngại trước việc đặt trạm thu phí qua hầm.

“Ở Bình Định có 3 dự án BOT rồi nên trước đây chúng tôi nói với nhà đầu tư rằng, nếu có 1 trạm BOT ở phía Bắc TP.Quy Nhơn và 1 trạm BOT phía Nam TP.Quy Nhơn, người dân sẽ bức xúc về phương tiện đi lại vì 2 trạm rất gần nhau. Đối với hầm Cù Mông, nhà đầu tư cam kết với tỉnh Bình Định sẽ tính toán đặt trạm tại tỉnh sau năm 2020. Trạm thì phải có nhưng vào thời điểm nào, việc này tới đây địa phương, Bộ GTVT và nhà đầu tư sẽ giải quyết cụ thể”, ông Thắng cho hay.