Dân Việt

Chiến tranh Arab-Israel 1973 (Kỳ cuối): Một trận tự mới

Huy Lê 24/01/2019 13:35 GMT+7
Khi mọi thứ sụp đổ ở mặt trận cao nguyên Golan phía bắc, Tổng thống Sadat cảm thấy cần gấp rút mở một cuộc tấn công và tiến sâu hơn vào Sinai. Tham mưu trưởng Shazly và các tướng lĩnh chóp bu khác của Ai Cập đã cực lực phản đối bước đi này.

img

Lính Israel vượt kênh đào Suez trên một cây cầu phao.

Họ nhắc lại sự hủy diệt mà máy bay chiến đấu Israel gây ra cho các lực lượng mặt đất Arab và không muốn đưa quân đội đi ra khỏi phạm vi bảo vệ của lá chắn tên lửa. Mặc dù vậy, vào ngày 14.10.1973, có 1.000 xe tăng Ai Cập và một số lữ đoàn cơ khí rầm rộ tiến quân. Mục tiêu là 2 cửa ngõ dẫn vào Israel: Đó là các con đèo tại Mitla và Giddi, cả hai đều cách kênh đào Suez gần 50 km về phía đông.

Tuy nhiên, người Ai Cập đã phải hứng chịu các cuộc không kích và đòn giáng trả của khoảng 800 xe tăng do những người hùng trong các cuộc chiến trước đây của Israel chỉ huy, Tướng Avraham Adan và Thiếu tướng Sharon. Hai sư đoàn xe tăng này đã đánh lấn vào sườn và xé tan các đơn vị Ai Cập, phá hủy 265 xe tăng và ít nhất 200 phương tiện khác. Ngược lại, chỉ có 40 xe tăng Israel bị hư hại nhưng phần lớn là với mức độ không đáng kể.

Nguy hiểm hơn, cuộc tấn công của Israel đã tạo một lỗ hổng trong lực lượng Ai Cập dọc hồ Great Bitter nằm phía bắc vịnh Suez. Adan và Sharon đã nhân cơ hội này mở cuộc phản công để bắc cầu qua kênh đào Suez và chia cắt đạo quân số 2 và số 3 của Ai Cập trên bờ tây kênh đào Suez.

Vào ngày 15 – 16.10, Sư đoàn thiết giáp dự bị 143 của Sharon vượt kênh đào trên những cây cầu phao và thiết lập một đầu cầu. Israel cũng tiến về phía đông nam trên bán đảo Sinai và tấn công lực lượng Ai Cập tập trung tại một khu vực gọi là Nông trại Trung Quốc. Chiến sự diễn ra ác liệt ở đó. Trong 4 ngày, người Ai Cập đã chặn được bước tiến của Israel sau những hàng rào phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng Adan đã đập tan các nỗ lực phản công của họ. Ví dụ như Lữ đoàn thiết giáp 25 của Ai Cập đã mất tất cả lực lượng xe bọc thép chở quân và 85 trong số 96 xe tăng T-62 mà chỉ phá hủy được 3 xe tăng của IDF.

img

Xác những chiếc xe tăng Syria ở cao nguyên Golan.

Ngày 17 – 18.10, các quan chức Liên Xô đã cho Tổng thống Sadat và Bộ trưởng Chiến tranh của ông, Tướng Ahmad Ismail Ali, thấy những những bức ảnh vệ tinh về đầu cầu đang mở rộng mà Sharon đã thiết lập trên bờ tây kênh đào Suez. Tướng Shazly khuyến nghị rút bốn đơn vị thiết giáp khỏi Sinai để đối phó với mối đe dọa này. Nhưng Sadat, đang tính toán nhu cầu chính trị phải giữ vững các chiến công của Ai Cập, đã quyết định không rút quân.

Ba ngày sau, khi mối đe dọa của Israel ngày càng hiện rõ, Sadat rốt cuộc đã tìm cách chấm dứt cuộc chiến. Lưu ý đến viện trợ của Mỹ cho Israel, ông nói: “Tôi biết các khả năng của mình. Tôi không định gây chiến với toàn bộ nước Mỹ”. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã bay đến Moskva nơi ông cùng nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev soạn thảo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi hai bên ngừng bắn.

Mặc dù các quan chức Israel và Ai Cập chấp nhận đình chiến, song giao tranh vẫn tái diễn. IDF đã đánh hơi thấy mùi chiến thắng và tiếp tục tiến quân. Sau khi vượt kênh đào Suez qua hành lang mà Sharon đã thiết lập, Tướng Adan và khoảng 200 xe tăng của ông tiến về phía nam, phá hủy các địa điểm tên lửa SAM và bao vây đạo quân số 3 gồm 45.000 quân của Ai Cập. Một số chỉ huy Israel muốn tiêu diệt lực lượng đang bị cắt đứt nguồn cung lương thực và nước uống này.

Tổng thống Sadat đã đề nghị binh sĩ Mỹ và Liên Xô thực thi lệnh ngừng bắn, khôn ngoan lôi kéo cả hai siêu cường này vào cuộc xung đột. Khi Mỹ do dự, Brezhnev đã phát tín hiệu rằng Liên Xô sẵn sàng đơn phương hành động, một thông điệp mà Mỹ lý giải là mối đe dọa lớn. Kissinger và một nhóm chuyên trách quản lý khủng khoảng của Nhà Trắng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 nâng mức báo động sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ từ cấp độ 4 lên cấp độ 3. Cuối cùng, các nỗ lực ngoại giao đã tháo ngòi nổ xung đột nhưng đó là một trong những thời khắc nguy hiểm nhất của Chiến tranh Lạnh.

Ngày 28.10, dưới sức ép của Mỹ, Israel đã đồng ý cho Ai Cập chuyển thực phẩm và thuốc men cho đạo quân số 3 đang bị mắc kẹt. Ngày hôm sau, Syria ngừng chiến. Một vài tuần sau đó, vào ngày 11.11, Ai Cập và Israel nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn do Sadat và Kissinger soạn thảo nhưng Syria từ chối đặt bút ký.

Đây là cái kết dang dở cho một cuộc chiến khốc liệt. Cuộc đụng độ giữa các đơn vị thiết giáp có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và vẫn là một trong những cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử. Con số thương vong bên phía Ai Cập và Syria lên đến 60.000 người với hơn 2.000 xe tăng bị phá hủy. Mặc dù hứng chịu tổn thất ít hơn nhiều với chưa đầy 12.000 người thương vong, song các cuộc tấn công của người Arab đã giáng một đòn mạnh vào sức mạnh quân sự của Israel. Theo một ước tính, cuộc chiến đã khiến Israel thiệt hại tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong một năm. Chỉ tính riêng ở Sinai, Ai Cập đã hạ được 110 trực thăng và chiến đấu cơ, tức khoảng 1/4 sức mạnh không quân của Israel.

Nhưng có lẽ tổn thất về mặt tinh thần mới là lớn nhất đối với Israel. Mặc dù thắng lợi về quân sự, song người Arab đã có thể đe dọa nghiêm trọng Israel trong những ngày đầu của cuộc chiến và chứng tỏ giới lãnh đạo nước này hoàn toàn không sẵn sàng cho một cuộc chiến. Một ủy ban đặc biệt của Israel đã xác định những lãnh đạo chóp bu Israel trong cả IDF lẫn cơ quan tình báo là những tội phạm. Những tác động của cuộc chiến đã góp phần đánh bật Thủ tướng Meir khỏi nhiệm sở vào năm 1974 cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Dayan.

Ấn tượng về quy mô, độc nhất về cách thức tiến hành, Cuộc chiến Tháng 10 là một trong những cuộc xung đột có ảnh hưởng lớn nhất trong nửa cuối thế kỷ 20. Là cuộc chiến cuối cùng trong những cuộc chiến lớn giữa Arab và Israel, Chiến tranh Arab-Israeli 1973 là cuộc xung đột quốc tế đầu tiên mà dầu mỏ đóng vai trò chủ chốt. Cuộc chiến báo trước về một trật tự mới không chỉ ở Trung Đông mà trong cả hệ thống kinh tế chính trị toàn cầu.